Đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98

07/06/2019 02:46 PM


Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 07/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 98 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế.

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 07/6.

Công ước số 98 có 3 nội dung cơ bản: Người lao động và cán bộ công đoàn phải được bảo vệ trước các hành vi của người sử dụng lao động phân biệt đối xử về việc làm; tổ chức của người lao động không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động và Nhà nước phải có những biện pháp về luật pháp và thiết chế để thúc đẩy cho thương lượng tập thể.

Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 98 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tất cả các bộ, ngành được Chính phủ lấy ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98.

Khi tham gia Công ước số 98, nước ta sẽ phải hoàn thiện pháp luật và có những biện pháp phù hợp, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu đề ra về chống phân biệt đối xử, chống can thiệp thao túng đối với công đoàn, cũng như thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện một cách hiệu quả và thực chất. Sau khi gia nhập Công ước, Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ báo cáo định kỳ (3 năm một lần) hoặc báo cáo đột xuất về các biện pháp đã tiến hành để tạo hiệu lực cho các điều khoản của Công ước theo quy định tại Điều 22 Điều lệ của ILO.

Về hồ sơ dự thảo Nghị quyết, các đại biểu đánh giá đã đầy đủ theo đúng quy định của Luật Điều ước Quốc tế; các nội dung trình Quốc hội đều phù hợp với Hiến pháp 2013; cơ bản phù hợp với pháp luật Việt Nam và đồng tình cho rằng các nội dung cần sửa đổi để đảm bảo tính phù hợp khi tham gia Công ước là Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn.

Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Trong quá trình tiến xây dựng tờ trình, các bộ đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức quốc tế để rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, các điều kiện, tiêu chuẩn để đánh giá sự cần thiết, tính khả thi cũng như kế hoạch, chương trình cụ thể khi gia nhập Công ước số 98. "Đến thời điểm này, việc chúng ta phê chuẩn gia nhập Công ước số 98 là cần thiết và có thể khẳng định là đã chín muồi. Các quy định của Công ước 98 hoàn toàn thực thi hiệu quả được, các điều kiện chúng ta cam kết hoàn toàn phù hợp Hiến pháp, pháp luật Việt Nam".

Vấn đề mà nhiều đại biểu băn khoăn là sau khi gia nhập Công ước số 98, bên cạnh Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có thể sẽ có một số tổ chức đại diện người lao động khác được thành lập, hoạt động. Vấn đề các đại biểu đặt ra là việc sửa đổi pháp luật liên quan và chủ trương về quản lý. Một số đại biểu đề nghị phải có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể khi gia nhập Công ước.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và Luật Công đoàn và các luật liên quan. Còn các tổ chức khác của người lao động bên cạnh Tổng Liên đoàn chỉ là tổ chức xã hội, hoạt động với mục đích đơn thuần về quan hệ lao động. Để đảm bảo các tổ chức đại diện người lao động hoạt động một cách thực chất, đảm bảo quyền lợi của người lao động, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng đã có kế hoạch về sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan đến: quyền tham gia, thành lập tổ chức đại diện người lao động; điều kiện tiêu chuẩn về số lượng thành viên cũng như tổ chức của người lao động tại cơ sở; điều lệ, tôn chỉ, mục đích của các tổ chức...

Kết luận nội dung này tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp thu cả nội dung, kỹ thuật lập pháp, nhất là những nội dung cam kết quốc tế để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội thông qua vào ngày 14/6/2019.

"Về một số nội dung mới về cách thức thiết lập tổ chức, mối quan hệ giữa các tổ chức đại diện người lao động quan hệ với tổ chức công đoàn như nào thì chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu kỹ khi sửa đổi Luật Công đoàn. Tôi tin rằng, chắc chắn tổ chức công đoàn phải vươn lên trong thời gian tới để hoàn thành vai trò của mình theo Hiến pháp, luật pháp, để bảo vệ lợi ích của công nhân, người lao động Việt Nam, đồng thời góp phần vào việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.

PV