Đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết và Lễ hội xuân 2019
13/12/2018 04:01 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa ký Công điện số 1793/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019.
Ảnh minh họa, nguồn Internet.
Công điện nêu rõ, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019, dự báo nhu cầu đi lại của người dân vẫn sẽ tăng cao, dẫn đến quá tải về phương tiện tham gia giao thông và vận tải khách, tăng nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông.
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho nhân dân vui đón dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Thứ nhất, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Giao thông vận tải:
Lập kế hoạch cụ thể và huy động tối đa phương tiện vận chuyển hành khách bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao, đẩy mạnh ứng dụng bán vé điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ, niêm yết công khai giá vé theo tuyến, thời gian và loại hình dịch vụ; kiên quyết không để hành khách về quê ăn Tết chậm do thiếu phương tiện; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định; vi phạm, tiêu cực trong hoạt động bán vé tàu, xe, máy bay các ngày cao điểm Tết; yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn đường đèo dốc, đường ngang đường sắt, đường thủy nội địa.
Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các Trạm thu phí đường bộ tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện, không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí; chủ động mở barie để giải tỏa phương tiện khi xảy ra tắc đường. Đình chỉ hoạt động các bến xe trái phép, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, dụng cụ cứu sinh, chở quá khổ, quá tải trọng, quá số người quy định; rà soát, khắc phục các điểm đen về tai nạn giao thông; hoàn thành công tác nâng cấp, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và các tuyến giao thông trọng điểm trước ngày 31 tháng 01 năm 2019.
Tăng cường kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện; sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để xử lý các trường hợp vi phạm; cung cấp thông tin hướng dẫn người dân đi lại bằng đường hàng không, đường sắt đảm bảo đúng lịch trình.
Chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực đường sắt đối với đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, nhất là đội ngũ trực ban, lái tàu, gác đường ngang, gác cầu chung và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân để xảy ra tai nạn do lỗi chủ quan.
Chỉ đạo ngành Hàng không Việt Nam, các địa phương liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, có biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa các sự cố uy hiếp đến hoạt động vận chuyển hàng không; bảo đảm tuyệt đối an ninh trật tự, an toàn hàng không trong mọi tình huống.
Thứ hai, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương: Xây dựng và triển khai kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và các Lễ hội xuân 2019. Trong đó tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; chú ý các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông như: Chạy quá tốc độ quy định, vi phạm về nồng độ cồn, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều; ngăn chặn các vụ đua xe trái phép, tụ tập gây rối trật tự công cộng; vi phạm khi đi qua đường ngang; chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không bảo đảm an toàn kỹ thuật; không trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm; không có Giấy phép lái xe, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các loại phương tiện chở quá số người quy định; kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển trái phép pháo nổ, chất nổ; tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại các cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các trạm thu phí và các lễ hội lớn. Phối hợp chặt chẽ với ngành giao thông vận tải có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, sẵn sàng giải toả, cứu nạn kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết trên các tuyến trục chính ra vào thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; các tuyến quốc lộ trọng điểm, các điểm tổ chức các lễ hội, chợ hoa, chợ tết, nơi bắn pháo hoa, các bến xe, bến tầu, nhà ga, sân bay, bến cảng, các điểm đang thi công thường xảy ra ùn tắc giao thông.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đối với loại hình vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, dễ cháy nổ, đặc biệt là xe chở xăng dầu và hóa chất, chú trọng xử lý các vi phạm về tốc độ, tránh, vượt xe, vi phạm quy định về người lái và an toàn kỹ thuật phương tiện khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, dễ cháy nổ.
Thứ ba, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tăng cường thông tin tuyên truyền về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và các Lễ hội xuân 2019; khẩu hiệu tuyên truyền “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, “Không phóng nhanh, vượt ẩu, chuyển hướng bất ngờ”, “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”, “Thắt dây an toàn trên xe ô tô”.
Thứ tư, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam có kế hoạch tuyên truyền an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và các Lễ hội xuân 2019 với nội dung phong phú, hấp dẫn, cập nhật kịp thời tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông các ngày Tết trong các bản tin thời sự; tuyên truyền, phát các thông điệp an toàn giao thông Tết.
Thứ năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục ý thức tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên, đồng thời chỉ đạo các trường chủ động phối hợp với các doanh nghiệp vận tải tổ chức bán vé tàu, xe tại trường cho sinh viên. Bố trí thời gian cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng nghỉ Tết và trở lại trường phù hợp, giảm áp lực giao thông trước và sau Tết Nguyên đán.
Thứ sáu, Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Y tế và cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và máu dự trữ để đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại về người trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông.
Thứ bẩy, Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa tới mọi tầng lớp nhân dân, tới cán bộ, hội viên, đoàn viên để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, thực hiện các biện pháp phòng, tránh tai nạn mô tô, xe gắn máy, đò ngang, đường ngang đường sắt; thực hiện nghiêm đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, thực hiện "Đã uống rượu, bia - không lái xe”, “Không phóng nhanh, vượt ẩu, chuyển hướng bất ngờ”; không chở quá số người quy định; quan sát an toàn khi qua đường sắt, chấp hành quy định an toàn khi đi đò.
Thứ tám, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp số điện thoại đường dây nóng công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, trên Website để tiếp nhận các ý kiến phản ảnh của cơ quan, đơn vị và người dân về vận tải, an toàn giao thông trong dịp Tết; đồng thời chỉ đạo, phối hợp các cơ quan chức năng liên quan để giải quyết, khắc phục kịp thời.
Thứ chín, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Ban hành kế hoạch cụ thể, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhân dân dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và các Lễ hội xuân 2019 phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, chú trọng khu vực nông thôn, miền núi và các địa điểm diễn ra lễ hội trên địa bàn; vận động các đoàn thể nhân dân tại địa phương tham gia tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang đường sắt và lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đối với loại hình vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, dễ cháy nổ; đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành các quy định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, dễ cháy nổ, đặc biệt là xăng dầu và hóa chất trên địa bàn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn giao thông; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp vận tải hàng hóa nguy hiểm, dễ cháy nổ tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đối với lái xe.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, bố trí đủ lực lượng và phương tiện, ứng trực trên các tuyến giao thông trọng điểm, các trục chính ra vào thành phố; thực hiện phân luồng tại các khu vực giao thông phức tạp, giải tỏa kịp thời khi xảy ra ùn tắc, không để ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu, ngày cuối đợt nghỉ Tết.
Công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về vận tải hành khách và trật tự, an toàn giao thông tại địa phương; đôn đốc, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?