Quyết liệt thu hồi nợ đọng BHXH
20/11/2018 04:54 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ðến hết tháng 9-2018, số tiền nợ BHXH phải tính lãi trên địa bàn Hà Nội là hơn 1.600 tỷ đồng, bằng 4,32% kế hoạch thu, giảm 423,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Dù tỷ lệ nợ BHXH của Hà Nội đã giảm, song vẫn cao hơn so với tỷ lệ trung bình của cả nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của hơn 300 nghìn người lao động, đòi hỏi thành phố cần nỗ lực hơn nữa trong công tác này.
Quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ đọng
Theo Phó Giám đốc BHXH (BHXH) Hà Nội Ðàm Thị Hòa, trong chín tháng năm 2018, liên ngành: Công an, Liên đoàn Lao động, Thanh tra thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế, Sở Y tế, BHXH Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đọng BHXH tại 3.673 doanh nghiệp, tăng 2.642 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2017, với số tiền thu hồi nợ là hơn 351 tỷ đồng. Liên ngành cũng làm việc với 10 doanh nghiệp nợ BHXH bị xử phạt hành chính về hành vi chậm đóng BHXH và đến tháng 9, các doanh nghiệp này đã nộp hơn 10,7 tỷ đồng, khắc phục từng bước số nợ. Thành phố đã tiến hành công khai danh sách các doanh nghiệp nợ đọng BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ðáng chú ý, BHXH thành phố đã phân tích, phân loại nợ BHXH, BHYT gửi các quận, huyện, thị xã, sở, ngành, cơ sở đảng để phối hợp đôn đốc thu hồi nợ, chuyển hồ sơ 573 doanh nghiệp với số nợ là 471,5 tỷ đồng để đề nghị tổ chức công đoàn khởi kiện, bảo đảm quyền lợi của người lao động. Cơ quan BHXH thành phố đã đề nghị Công an thành phố phối hợp điều tra, xác minh bảo đảm quyền lợi của người lao động tại hai công ty TNHH: Tiến Ðại Phát và Bona Apparel đã bị xử phạt hành chính vì hành vi chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp, thu hồi hơn 4 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã cung cấp mã số thuế của 29.386 đơn vị thành lập, danh sách 27.615 đơn vị ngừng, dừng sản xuất, kinh doanh, bỏ trốn, bị phong tỏa hóa đơn; 6.432 đơn vị có dấu hiệu vi phạm luật BHXH, BHYT. Tổ công tác liên ngành do Thanh tra thành phố làm đầu mối đã kiểm tra, thanh tra tại 582 doanh nghiệp, thu hồi hơn 44,2 tỷ đồng. Tổ công tác do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tại 173 đơn vị, thu hồi được 25,9 tỷ đồng. Liên đoàn Lao động thành phố - đơn vị đại diện cho hơn 2,5 triệu đoàn viên công đoàn, người lao động đã tăng cường tổ chức đối thoại về chính sách BHXH, BHYT, chủ động phối hợp với các ban, ngành để tuyên truyền về luật BHXH, Luật Hình sự để người lao động hiểu rõ hơn quyền, trách nhiệm của mình.
Quyết tâm giảm nợ
Ðể tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, trong hai tháng cuối năm 2018, BHXH thành phố Hà Nội phấn đấu đưa chỉ tiêu giảm nợ xuống dưới 3%. Ðể thực hiện được mục tiêu này, Hà Nội có không ít khó khăn trong triển khai khi tỷ lệ tham gia của các doanh nghiệp còn thấp, ý thức chấp hành pháp luật về BHXH của người lao động, người sử dụng lao động chưa cao, vẫn còn một bộ phận không nhỏ tìm cách lách luật trốn đóng hoặc kéo dài thời gian nộp BHXH.
Trên thực tế, mỗi năm trên địa bàn Hà Nội có hàng chục nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới thì cũng có không ít doanh nghiệp đóng cửa, ngừng sản xuất, thậm chí bỏ trốn. Nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và nộp thuế tại một điểm, nhưng lại có trụ sở giao dịch tại nơi khác, cho nên rất khó để quản lý, thu hồi nợ đọng BHXH. Trung tá Nguyễn Tiến Thắng, Phó Trưởng Công an quận Thanh Xuân nêu thực tế: Các doanh nghiệp nợ đọng BHXH thường có quy mô nhỏ với vài ba lao động, cho nên thường trốn tránh thực hiện nghĩa vụ nộp BHXH. Có những doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa nợ đọng BHXH hàng tỷ đồng, thời gian nợ hơn 30 tháng, nhưng doanh nghiệp gần như không hoạt động, chỉ còn một vài lao động, cho nên không thể thu hồi. Từ tháng 7-2018, Công an quận đã phối hợp cùng BHXH mời các đơn vị nợ đọng BHXH ba tháng trở lên đến làm việc, tuyên truyền, ký biên bản và cam kết cụ thể về thời điểm thanh toán.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Dân cho biết: Tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHXH là vấn đề diễn ra đã lâu, kéo dài trong nhiều năm, gây ra nhiều hệ lụy với người lao động. Ðể nâng cao hiệu quả trong việc giảm nợ BHXH và BHYT, cần có sự tăng cường trao đổi thông tin liên ngành để có thể xác định được những doanh nghiệp có khả năng chi trả, từ đó tập trung ưu tiên kiểm tra, nhất là những doanh nghiệp có số nợ lớn.
Nhiều năm qua, BHXH, BHYT đã phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Ðể tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này, thời gian tới thành phố Hà Nội cần tăng cường tổ chức đối thoại giữa các cơ quan chức năng với người lao động, cũng như người sử dụng lao động. Ðồng thời tập trung các giải pháp đôn đốc, thu nợ, thực hiện công tác kiểm tra đối với các doanh nghiệp nợ đọng, công bố công khai danh sách các doanh nghiệp nợ đọng và khởi kiện những đơn vị cố tình chây ỳ, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Quan trọng hơn, BHXH thành phố cùng các cơ quan chức năng cần tuyên truyền sâu để người lao động hiểu rõ về quyền, lợi ích hợp pháp được tham gia BHXH, BHYT của mình; người chủ sử dụng lao động cần nhận thức rõ ràng trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm trước pháp luật để đăng ký tham gia, đóng đầy đủ, kịp thời các loại BH cho người lao động, hạn chế thấp nhất tình trạng người lao động vì ham lợi trước mắt "bắt tay" với chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH, che mắt các cơ quan chức năng.
Theo Báo Nhân dân
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bản tin Audio số 48 - Tuần 4 tháng 1/2025
[Infographic] Những con số ấn tượng của ngành BHXH Việt Nam ...
Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua cơ quan BHXH ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?