PHÁC HỌA MỘT CHÂN DUNG

Bài 1. Bước ngoặt cuộc đời

13/01/2020 02:15 PM


Mỗi lần lật giở cuốn Kỷ yếu BHXH Việt Nam, tôi thường dừng lại ở tấm ảnh chân dung của cố Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu. Khuôn mặt gầy, đôi mắt sáng với ánh nhìn hơi xa xăm ấy lúc nào cũng gợi lên cho tôi biết bao câu hỏi: Người lãnh đạo đầu tiên của Ngành, người đã có thời gian gắn bó tuy ngắn ngủi nhưng lại là giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất là người như thế nào?

Với lợi thế nghề nghiệp là một nhà báo, có dịp tiếp xúc với nhiều thế hệ cán bộ của BHXH Việt Nam, tôi đã tìm về những câu chuyện trong ký ức của rất nhiều người từng có thời gian công tác, gắn bó với cố Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu và những người thân trong gia đình cố Tổng Giám đốc, một phần để giải mã những câu hỏi trong lòng mình, một phần với mong muốn phác họa một bức chân dung, để các bạn đồng nghiệp thế hệ tôi và đặc biệt là những thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về người lãnh đạo đầu tiên của Ngành...

Tháng 04 năm 1995

Tranh thủ giặt nốt chậu quần áo, nấu nồi cám lợn để sáng mai đỡ bận, nhìn lên đồng hồ đã là 11 giờ đêm, sau khi ngó qua giường hai cậu con trai đang ngủ, chị Phạm Thị Nhiên (phu nhân của Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu) lại chạy sang phòng làm việc của chồng. Gọi là phòng làm việc cho có vẻ chỉn chu chứ thực ra với căn nhà tập thể đã xuống cấp được Bộ Tài chính phân cho từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX, khéo thu vén lắm, chị Nhiên mới bố trí được khoảng 5m2 để anh Châu có chút không gian làm việc riêng. Rót cho chồng một cốc nước ấm, lấy tấm chăn mỏng bọc chân để anh bớt lạnh trong cái rét “đêm tháng ba, bà già chết cóng”, chị Nhiên lặng lẽ quay về phòng ngủ mà không dám nhắc anh phải nhớ đi ngủ sớm.

Cố Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu

Cả ngày vất vả ở cơ quan (chị Nhiên là kế toán của Viện Khoa học Pháp lý thuộc Bộ Tư pháp), về nhà lại tất tả cơm nước, giặt giũ, chăn nuôi con gà, con lợn để tăng gia, hôm nào cũng phải 10-11h đêm mới đi nằm nên chị Nhiên nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. 01h đêm, khi bất chợt tỉnh giấc, nhìn sang phòng làm việc của anh thấy vẫn còn sáng đèn, chị Nhiên rón rén trở dậy, giọng nghèn nghẹn pha lẫn chút mệnh lệnh:

- Bố nó phải đi ngủ thôi, trời sáng đến nơi rồi. Cả ngày làm việc ở cơ quan, tối về lại làm việc thâu đêm, bố nó không nghĩ đến sức khỏe của mình thì cũng phải nghĩ đến mẹ con em chứ.

Với tay ra phía sau nắm lấy tay vợ, anh Châu khẽ khàng:

- Mấy mẹ con thông cảm cho anh. Từ ngày anh nhận công tác mới, không đỡ đần việc nhà được cho mẹ nó, không có thời gian kèm cặp các con học hành đã đành, lại còn làm mẹ nó và các con lo lắng. Nhưng công việc của cơ quan mới thành lập còn bộn bề. Bác Hồ Tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính, đã tín nhiệm giới thiệu với Chính phủ để anh giữ chức vụ Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt cũng trực tiếp gặp anh giao nhiệm vụ, anh không thể phụ lòng tin tưởng của cấp trên và sự trông đợi của gần 4.000 cán bộ, công chức trong toàn Ngành được...

Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị về cấp, quản lý sổ BHXH năm 1996 tại Quảng Nam

Chồng đã nói đến thế, chị Nhiên chẳng thể phản bác. Vuốt bàn tay gầy gò, lủng củng những xương của anh, chị chỉ còn biết nói một câu vớt vát:

- Bố nó làm thêm lúc nữa rồi nghỉ nhé. Công việc bận nhưng là việc trường kỳ, bố nó cứ thức thế này, làm sao có sức mà trụ nổi. Đá còn biết chảy mồ hôi huống gì là con người...

Quay vào giường nhưng chị Nhiên không thể ngủ tiếp được, dòng suy tưởng miên man dẫn dắt chị về những kỷ niệm ngày đầu khởi nghiệp của hai người... Khi đó cả anh Châu và chị Nhiên đều là sinh viên trường Đại học Tài chính (nay là Học viện Tài chính). Chị Nhiên sớm đã bị sự thông minh và trầm tĩnh của chàng sinh viên Nguyễn Văn Châu chinh phục. Năm 1971, tốt nghiệp Đại học với tấm bằng Giỏi, anh Châu được giữ lại ở trường làm cán bộ giảng dạy, còn chị Nhiên được phân công về làm Kế toán tại Viện Khoa học Pháp lý của Bộ Tư pháp. Công việc ổn định, anh chị tổ chức một đám cưới giản dị và đến năm 1974 thì đón cậu con trai đầu lòng Nguyễn Anh Tuấn. 04 năm sau, chị lại sinh cho anh cậu con trai thứ hai Nguyễn Anh Đức. Lúc này, theo sự điều động, phân công của tổ chức, anh đã chuyển về công tác tại Bộ Tài chính và được Bộ cấp cho một gian nhà tại Khu tập thể của Bộ. Cuộc sống thời kỳ bao cấp khó khăn, vất vả, thiếu thốn trăm bề nhưng gia đình anh chị lúc nào cũng ấm áp, hạnh phúc. Anh đi học quản lý kinh tế ở Liên Xô, rồi làm luận án Phó Tiến sĩ..., từ một chuyên viên lên Phó Vụ trưởng, rồi Vụ trưởng Vụ Tài chính - Hành chính Văn xã. Chị đứng ở phía sau, tình nguyện lùi lại làm hậu phương vững chắc để anh yên tâm phấn đấu. Để cải thiện đời sống, chị nhận nhiều công việc thủ công để làm thêm, tận dụng từng chút diện tích chăn nuôi con gà, con lợn để tăng thêm thu nhập. Hai cậu con trai ngày một lớn, được thừa hưởng gen thông minh của bố và sự rèn cặp của mẹ nên đều học giỏi, ngoài giờ học đều tự giác giúp mẹ việc nhà nên anh càng yên tâm công tác.  

Chị nhớ một ngày đầu năm 1995, anh đi làm về với vẻ tâm trạng hơn ngày thường. Biết tính chồng, chị Nhiên không hỏi nhiều mà chỉ lặng lẽ chăm chút anh hơn. Đến tối khuya, khi hai con đã ngủ cả, anh mới bảo chị:

- Hôm nay bác Hồ Tế gọi anh lên trao đổi về việc Bộ muốn giới thiệu anh sang làm Tổng Giám đốc của BHXH Việt Nam, mẹ nó thấy thế nào?

Là kế toán của Viện Khoa học Pháp lý nên chị Nhiên cũng có biết phong thanh thông tin về việc Chính phủ chuẩn bị thành lập cơ quan BHXH Việt Nam trên cơ sở sáp nhập các tổ chức BHXH trực thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhưng việc anh Châu được điều động công tác sang cơ quan mới đó là việc chị chưa bao giờ ngờ tới:

- Em nghe nói BHXH trước đây là do Bộ Lao động và Tổng Liên đoàn thực hiện. Thành lập BHXH Việt Nam, sao không điều động người ở hai nơi đó mà lại điều động bố nó?

- Thì đúng là như thế. Nhưng nghe bác Hồ Tế nói, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính giới thiệu nhân sự, vì đây là cơ quan giúp Chính phủ quản lý một quỹ tài chính lớn. Anh vừa có bằng cử nhân tài chính, cử nhân quản lý kinh tế, lại vừa bảo vệ xong luận án Phó Tiến sĩ về kinh tế BHYT, nên bác Bộ trưởng muốn giới thiệu...

- Bố nó ở Bộ Tài chính 21 năm rồi. Công việc, quan hệ đồng sự, cấp trên, cấp dưới đều đã quen. Bây giờ sang một cơ quan khác, lại là cơ quan mới thành lập. Người ta bảo "Vạn sự khởi đầu nan". Em lo lắm...

Các đồng nghiệp tại Bộ Tài chính tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Văn Châu nhận Quyết định làm Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

Nắm chặt tay vợ như để chia sẻ nỗi lo lắng trong lòng. Anh Châu tìm lời trấn an chị:

- Cơ quan mới anh không thấy ngại bằng công việc mới. Chính sách BHXH được thực hiện đã lâu rồi nhưng trước đây là hoàn toàn bao cấp. Bây giờ mới chính thức thực hiện đổi mới, cả xã hội còn chưa ai hiểu gì nhiều về BHXH. Vẫn biết nhận nhiệm vụ mới này sẽ rất vất vả, thời gian cho gia đình sẽ ít đi. Mẹ nó và các con cũng vì thế mà phải hy sinh nhiều hơn. Nhưng mình là người Đảng viên, không thể ngại khó, ngại khổ được...

Ngọc Ánh