Cần thêm các giải pháp đồng hành, hỗ trợ DN, NLĐ

26/05/2023 09:03 AM


Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, các ĐBQH cho rằng cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho DN, tạo điều kiện ổn định kinh tế, việc làm NLĐ…

Có giải pháp mạnh mẽ hơn hỗ trợ DN

Cơ bản đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kết quả kinh tế- xã hội, NSNN năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, các ĐBQB ghi nhận, trong bối cảnh nền kinh tế đối diện với nhiều thách thức, khó khăn, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực chỉ đạo, điều hành và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, các ĐB cũng chỉ rõ, diễn biến tình hình kinh tế- xã hội 4 tháng đầu năm nay tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp nối từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023. Do đó, để phấn đấu đạt các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cần triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội…

Theo ĐB Đặng Hồng Sỹ- Bình Thuận, tình trạng từ cuối 2022, những tháng đầu 2023, tình trạng mất việc làm tăng, tập trung ở các tỉnh thành có nhiều KCN. Tốc độ tăng trưởng năm 2022 cao, thu ngân sách vượt chỉ tiêu, tuy nhiên, đời sống người dân thì còn nhiều khó khăn, đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Vì vậy, ĐB cho rằng cần tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN, NLĐ, tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để khai thác thị trường mới. Cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản.

Còn ĐB Nguyễn Thị Mai Thoa- Hải Dương cho biết, hiện nay tình trạng lao động mất việc làm, giảm thu nhập đang là vấn đề thực tế đáng lo ngại. Đây cũng là vấn đề được phản ánh trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Những tháng đầu năm 2023, số lượt rút BHXH một lần tiếp tục tăng, số DN thành lập mới giảm. Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử... ở nhiều vùng, miền trên cả nước. Do đó, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, khả thi, tạo ra chuyển biến, thay đổi rõ rệt thì thị trường lao động sẽ chịu nhiều rủi ro, thách thức, NLĐ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong số những người mất việc làm, giảm thu nhập có phần đông trong độ tuổi thanh niên, là trụ cột gia đình. Tình trạng này kéo dài sẽ gây gánh nặng lớn về mặt an sinh, dễ dẫn đến gia tăng tệ nạn xã hội. Vì vậy, Chính phủ cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, cắt giảm điều kiện, đơn giản hóa TTHC để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Nhìn nhận về vấn đề này, ĐB Phạm Trọng Nghĩa- Lạng Sơn cho rằng, là quốc gia có nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng, điều kiện quốc tế có tác động mạnh đến sự phát triển trong nước. Thực tế cho thấy DN rút khỏi thị trường cao, trung bình 1 tháng có 19.700 DN tham gia thị trường, thì cũng có tới 19.200 DN rút khỏi thị trường. Xuất khẩu 4 tháng đạt 108 tỷ USD, giảm 11.8%, nhập khẩu đạt 102 tỷ USD giảm 15%; GDP quý I/2023 giảm 2,5 điểm so với mức 5,9% của quý IV/2022. Do đó, các yếu tố này cần được nghiên cứu thấu đáo, tạo cơ sở khoa học cho các phản ứng chính sách phù hợp. DN là xương sống của nền kinh tế, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước và xã hội. Trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ DN, xã hội cần có sự chia sẻ, chung tay cùng DN trong lúc đang hết sức khó khăn này. “Phải nhanh chóng đẩy mạnh lĩnh vực du lịch để bù đắp suy giảm về thương mại hàng hóa; Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho DN; Giảm các nghĩa vụ tài chính cho DN, người dân; đánh giá cáo việc giảm thuế VAT 2% để kích cầu tiêu dùng; Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường”- ĐB Nghĩa đề nghị.

Quan trọng vẫn là các giải pháp khắc phục

Còn ĐB Nguyễn Minh Sơn- Tiền Giang cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cho thấy, có 2/15 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra. Ngoài chỉ tiêu tốc độ năng suất lao động đã báo cáo quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, thì có thêm chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP không đạt; năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) tiếp tục sụt giảm, mặc dù tốc độ sụt giảm thấp hơn so với năm 2021, ở mức 0,2%. Mức đóng góp vốn tài sản công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vào tăng trưởng sụt giảm ở mức 1,36% so với năm 2021; So với các nước trong khu vực mức đóng góp của vốn tài sản ICT của Việt Nam ở mức rất thấp. Về đổi mới sáng tạo, Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia, cho thấy dấu hiệu thiếu tích cực của nước ta trong lĩnh vực này khi tụt 4 bậc so với năm 2021.

Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) của Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng từ 33,4 điểm năm 2020 xuống còn 20,1 điểm năm 2022. “Năng suất và chất lượng lao động còn thấp, tăng trưởng và đóng góp của TFP suy giảm, đóng góp của kinh tế số và mức độ đổi mới sáng tạo còn ở mức khiêm tốn, hiệu quả môi trường của tăng trưởng đang ở mức báo động. Điều này phản ánh chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp. Do vậy, Chính phủ cần làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân khách quan, chủ quan”- ĐB Sơn nhấn mạnh.

Quan tâm đến vấn đề tiền lương, ĐB Phạm Khánh Phong Lan- TP Hồ Chí Minh đánh giá đây là một trong những tồn tại “bền vững”, bởi sau nhiều năm, mức lương của nhiều đối tượng vẫn không đủ sống. Tuy nhiên, điều này do mức BHXH của nước ta hiện nay thấp, song muốn tăng mức đóng không hề dễ. Bên cạnh đó, việc tăng lương cơ bản cũng còn những bất cập. Mỗi lần tăng lương cơ sở ở mức vài trăm ngàn đồng, những người trẻ, cần phải tích lũy để xây dựng gia đình thì hưởng mức thấp do hệ số thấp; chỉ những người hệ số cao thì mức tăng lương mới đáng kể. ”Khi tính lương theo hệ số, những người làm việc cống hiến, đột phá nhưng hệ số thấp, nhận về tiền lương không cao. Trong khi những người làm việc tà tà nhưng lâu năm, có hệ cao, lương tốt hơn. Vì vậy, Chính phủ, Quốc hội cần nghiên cứu để có chính sách tiền lương phù hợp hơn”- ĐB Lan.

PV