Lấy sức mạnh toàn dân, tạo động lực vì mục tiêu kép

12/10/2021 08:56 AM


Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt, sự ghi nhận và đánh giá cao của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Các nhà khoa học cho rằng hội nghị lần này đã đề cập đến những vấn đề rất cấp thiết và quan trọng đối với đất nước trong tình hình hiện nay, nhất là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Về phát triển kinh tế-xã hội trong 9 tháng đầu năm 2021, Phó Giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đánh giá, kinh tế vĩ mô vẫn giữ vững ổn định, không có khả năng lạm phát hay giảm phát, nhưng chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng khó có thể đạt được như mong muốn đặt ra từ đầu năm. Chủ trương thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội” của Đảng là đúng đắn, sự vào cuộc của Chính phủ là quyết liệt. Các địa phương như Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội không để dịch bệnh lan rộng, từng bước có những biện pháp phù hợp đúng với chủ trương của Đảng. Tuy nhiên, ở phía Nam, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai dịch lan rộng, không ngăn chặn kịp thời nên chưa đảm bảo được mục tiêu kép. Vấn đề này cần tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm kịp thời.

Thời gian gần đây, nếu nhìn vào biểu đồ số ca mắc bệnh và số ca chữa khỏi thì dịch COVID-19 bước đầu đã kiểm soát. Mặt khác, nếu tỷ lệ tiêm chủng cho toàn dân đạt được như dự kiến thì đến hết tháng 11/2021, chúng ta sẽ cơ bản kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, lúc này rất cần có sự điều hành quyết liệt, sáng suốt và kịp thời hơn nữa từ Chính phủ; sự quyết tâm cao, đồng thuận, sáng tạo của từng địa phương để thực hiện mục tiêu kép phù hợp. Đặc biệt, cùng với phòng dịch, hiện tại còn phải giải quyết nhiều vấn đề sau dịch như di dân, việc làm, phục hồi sản xuất của doanh nghiệp…

Lấy sức mạnh toàn dân, tạo động lực vì mục tiêu kép năm 2021. Ảnh: TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh đề xuất, trong việc kiểm soát và ngăn ngừa dịch COVID-19, phải đặt sức khỏe người dân lên trên hết và quan trọng nhất. Giải pháp đầu tiên cần thực hiện là tiêm chủng đầy đủ cho toàn dân, không chỉ cho người trên 18 tuổi mà tiếp tục cho đối tượng nhỏ tuổi từ 6-18 tuổi nhưng phải đảm bảo an toàn; tăng cường nhập khẩu, sản xuất thuốc phòng dịch và điều trị bệnh.

Về kinh tế, nước ta phải biến thách thức của dịch thành cơ hội để điều chỉnh, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển sản xuất; chuẩn bị ngay từ bây giờ để các ngành, lĩnh vực bước vào sản xuất, cung ứng hàng hóa trong điều kiện mới phải kiểm soát được dịch; học hỏi cách làm của một số nước đã thành công khi vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả. Cụ thể, đẩy nhanh phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chính phủ điện tử, những lĩnh vực có thể mạnh khi nhu cầu thế giới cần do đại dịch gây ra, điển hình là xuất khẩu nông sản.

Nguyên Viện trưởng Nguyễn Thế Chinh cho rằng cần xem xét lại và có kế hoạch chi tiết, cụ thể, phù hợp để lưu thông thông suốt; tránh tình trạng vừa qua thiếu đồng bộ thống nhất, dẫn đến sự ngăn cách giữa các địa phương, mỗi nơi thực hiện một khác.

Vai trò của người đứng đầu cần đánh giá lại nghiêm túc, có quyết định sớm thay thế những cá nhân đứng đầu thực hiện không tốt mục tiêu kép, đồng thời cũng có khen thưởng, nhân rộng điển hình những cá nhân, tổ chức, địa phương thực hiện tốt.

Giải pháp nên được đưa ra là phát huy vai trò của xã hội bằng việc khuyến khích, động viên người dân, doanh nghiệp và các tổ chức thiện nguyện cùng chung tay thực hiện phòng, chống dịch. Đảng và Nhà nước lấy “sức mạnh toàn dân” để tạo động lực thực hiện mục tiêu kép, nhưng phải có quy định, tổ chức và tạo cơ chế để mọi người có điều kiện tham gia, thực hiện.

Đảng và Nhà nước nên phát huy vai trò những kênh truyền thông, những cơ quan được cấp phép chính thức để thực hiện tốt hơn việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách đối với thực hiện mục tiêu kép; ngăn chặn và xử lý kịp thời các thông tin có tính kích động, không đúng sự thật, nhất là các mạng xã hội ảnh hưởng đến nhận thức, tư tưởng của người dân.

Những ý kiến hay, phản biện của xã hội tốt đóng góp tích cực cho chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ vừa đảm bảo phát triển kinh tế nhưng lại chống dịch hiệu quả cũng cần được sàng lọc, lựa chọn và tiếp nhận.

Theo nhà báo Huỳnh Đức Thế ở Tạp chí Tri thức Phú Yên (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Phú Yên), kinh tế-xã hội của đất nước đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn và có thể còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Dự báo, lĩnh vực kinh tế không hoàn thành được nhiều chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra trong năm 2021. Vì thế 63 tỉnh, thành phố phải có kế hoạch chi tiết từng lĩnh vực để hoạt động tăng trưởng mới cho thời kỳ "hậu COVID-19". Bên cạnh đó, việc thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII, nên lùi lại do nguồn ngân sách tập trung khắc phục hậu quả dịch COVID-19 là cần thiết.

Cũng đề cập đến vai trò người đứng đầu, nhà báo Huỳnh Đức Thế cho rằng Trung ương cần thống nhất, bổ sung thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là phẩm chất, năng lực, uy tín của người đứng đầu phải ngang tầm nhiệm vụ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Theo đó, đảng bộ các cấp cần nêu gương người tốt, việc tốt; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm"; thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền; thực thi nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, công tác cán bộ, kiểm tra, giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí và công luận.

PV