Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Tiếp thu, giải trình thấu đáo để tạo đồng thuận cao
26/05/2025 09:51 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 24/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nhiều ý kiến phát biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết, cấp thiết ban hành Luật nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân trước việc lộ, lọt, xâm phạm quyền riêng tư, đồng thời đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh chuyển đổi số, phát triển đất nước.
Ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là cấp thiết, đáp ứng yêu cầu thực tế và chuyển đổi số
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, thực tế tình trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân đang diễn ra ngày càng phổ biến ngày và tinh vi. Từ những thông tin như số điện thoại, địa chỉ email, tài khoản ngân hàng, hồ sơ y tế… đều có thể bị thu thập, mua bán, sử dụng một cách trái phép. Hệ quả là các hành vi lừa đảo qua mạng bùng phát dù các cơ quan chức năng rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền, đấu tranh với loại tội phạm này. “Một trong những nguyên nhân là chúng ta chưa có một đạo luật riêng để điều chỉnh đồng bộ và đầy đủ về dữ liệu cá nhân. Chính vì vậy, việc Quốc hội xem xét ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cấp thiết nhằm khắc phục khoảng trống pháp lý và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền con người trong không gian số và thúc đẩy phát triển kinh tế số một cách an toàn, bền vững”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành Phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ảnh: Quochoi
Các đại biểu cũng đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo đã bám sát, thể chế hóa quan điểm của Đảng về bảo vệ dữ liệu cá nhân, cụ thể hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Việc ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là bước tiến quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ quyền con người, quyền cá nhân cũng như yêu cầu chuyển đổi số hiện nay, thể chế hóa Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bảo vệ dữ liệu cá nhân là một thành tố của một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh về quyền con người, quyền công dân. “Giàu có mà không bảo vệ được các quyền nhân thân, quyền riêng tư thì cuộc sống cũng không an toàn và hạnh phúc. Đây là luật mới nhưng dự thảo luật được soạn thảo chặt chẽ, bao quát, phù hợp và có chất lượng cao”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đánh giá.
Được ghi âm, ghi hình, xử lý dữ liệu cá nhân tại nơi công cộng vì mục đích quốc phòng an anh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội mà không cần đồng ý của chủ thể dữ liệu
Theo dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ, trình Quốc hội để thảo luận tại Hội trường, tại Khoản 1 Điều 29 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân được ghi âm, ghi hình và xử lý dữ liệu cá nhân thu được từ hoạt động ghi âm, ghi hình tại nơi công cộng, hoạt động công cộng mà không cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong trường hợp để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với quy định nêu trên, tuy nhiên, không nhất thiết cần quy định “cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo hoặc bằng hình thức thông tin khác để chủ thể dữ liệu biết được mình đang bị ghi âm, ghi hình…”.
Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, quy định phải thông báo để chủ thể dữ liệu biết được mình đang bị ghi âm, ghi hình là khó khả thi, bởi việc ghi âm, ghi hình dữ liệu cá nhân tại nơi công cộng, nhất là với mục đích thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia trong nhiều trường hợp cần bảo đảm bí mật hoặc tuyệt đối bí mật. “Ví dụ như các phương tiện bay không người lái có gắn camera ghi hình để phục vụ an ninh quốc gia hoặc diễu binh, diễu hành nhưng lại phải thông báo với chủ thể dữ liệu là chưa hợp lý.”, đại biểu Dương Khắc Mai phân tích.
Đồng ý với dự thảo Luật đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cần bổ sung thêm hành vi “giả mạo dữ liệu cá nhân gây ảnh hưởng xấu, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” để đảm bảo bao quát hơn. Bên cạnh đó, cần quy định cấm “Cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân hợp pháp”, bởi theo Bộ luật Dân sự, công dân có quyền tự bảo vệ quyền dân sự của mình. Về Khoản 7, Điều 7 dự thảo Luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị bỏ từ “cố ý”, quy định thành cấm “Chiếm đoạt, làm lộ, làm mất dữ liệu cá nhân”, bởi việc “làm lộ, làm mất” dù vô ý cũng có thể gây ra thiệt hại rất lớn. Việc bỏ yếu tố chủ quan đi sẽ làm cho những người đang nắm giữ những dữ liệu cá nhân đó phải hết sức thận trọng. Dẫn chứng trong luật Bộ luật Dân sự, đại biểu cho biết, trong đó cũng có quy định về nguồn nguy hiểm cao độ, chúng ta vẫn có chế tài xử lý không cần phải có yếu tố “cố ý”.
Cân bằng giữa mục tiêu bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân và mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế
Bày tỏ đồng tình về việc cần quy định các chế tài mạnh hơn, nghiêm minh hơn, đại biểu Trần Kim Yến, Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài các quy định về hành chính, dân sự, cần bổ sung thêm chế tài hình sự, điều chỉnh vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân, mua bán dữ liệu cá nhân, có thể bổ sung các tội danh cụ thể liên quan đến hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân. Theo đại biểu, trong nền kinh tế số và xã hội số hiện nay, dữ liệu cá nhân trở thành một nguồn tài nguyên hết sức quan trọng. Do đó các quy định của dự thảo Luật là cần thiết, phải cân bằng được 2 mục tiêu là bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân và phục vụ sự phát triển kinh tế. “Để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và khả thi trong thực tiễn, tôi đề xuất bổ sung, quy định rõ về Danh mục các chế tài có thể áp dụng, cơ sở pháp lý để thực hiện và thẩm quyền của các cơ quan có liên quan; đồng thời cần có cơ chế giám sát để bảo đảm việc áp dụng chế tài đúng quy định, tránh tình trạng lạm quyền, hoặc gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan”, đại biểu Trần Kim Yến đề xuất.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Chính phủ sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng, sâu sắc dưới góc nhìn thực tiễn về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc sớm ban hành Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam là rất cần thiết. Do vậy, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội điều chỉnh, cho phép thông qua tại 1 kỳ họp thay vì 2 kỳ họp như dự kiến. Trên thế giới đã có 150 nước ban hành Luật về bảo vệ dữ diệu cá nhân. Hiện nay trong bối cảnh chúng ta chuyển đổi số sống động, phần lớn các hoạt động về kinh tế-xã hội được chuyển dịch trên không gian mạng. Dữ liệu cá nhân gắn với mỗi con người, thể hiện quyền nhân thân, quyền riêng tư càng phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại gia tăng, đe dọa đến vấn đề về an ninh con người. “Mục tiêu của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là phải điều chỉnh được các vấn đề xâm phạm dữ liệu cá nhân đang diễn ra nhức nhối trong thực tiễn, đồng thời cũng mang tính dự báo, bao quát để quy phạm các vấn đề mới liên quan đến công nghệ đột phá của kỷ nguyên số để bảo vệ dữ liệu cá nhân toàn diện nhất”, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Báo cáo thêm về vấn đề cấm mua bán dữ liệu cá nhân mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hiện nay còn hạn chế. Tầm quan trọng của bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng chưa được hiểu đầy đủ, tạo ra những “vùng xám” trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân. Dữ liệu cá nhân với đặc tính là gắn liền với con người, quyền con người, quyền nhân thân, quyền riêng tư không thể coi là hàng hóa tài sản thông thường. Đây là một loại tài nguyên đặc biệt. Do vậy, yêu cầu khai thác sử dụng phải đi đôi với bảo vệ ở mức cao nhất. Cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người, quyền định đoạt thông tin của người khác. Quan điểm này phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của các nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đó là giới hạn ranh giới giữa sử dụng và định đoạt, ưu tiên phát triển nhưng phải đi đôi với bảo vệ, thiết lập các quy định, cơ chế quản lý việc sử dụng và khai thác dữ liệu cá nhân không vi phạm các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cũng theo Đại tướng Lương Tam Quang, thực tế qua các vụ lừa đảo về chiếm đoạt tài sản với tài sản quy mô lớn đã được triệt phá thời gian vừa qua cho thấy, yếu tố lộ, lọt mua bán dữ liệu cá nhân là nguyên nhân chính khiến tội phạm thực hiện hành vi phạm tội. Hiện nay nhiều tổ chức thiếu quy định, chính sách quản lý chưa chặt chẽ, phân quyền xử lý dữ liệu cá nhân, dẫn đến nhân viên lấy thông tin khách hàng với tính chính xác rất cao và cập nhật theo thời gian thực để bán cho các đối tượng lừa đảo, đặc biệt trong các lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, viễn thông, điện lực, bảo hiểm và vận chuyển, giao hàng. Nếu không quy định việc cấm mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa thông thường và có chế tài xử lý nghiêm minh, thực tiễn sẽ phát sinh rất nhiều những phương thức, thủ đoạn để hình thành “chợ đen” về dữ liệu cá nhân, gây hậu quả thiệt hại rất lớn và nỗi bất an cho người dân. Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận, Chính phủ sẽ phối hợp chặt với Ủy ban Quốc phòng, An ninh và đối ngoại của Quốc hội tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá, không khí phiên thảo luận sôi nổi, dân chủ, trí tuệ, khách quan và có nhiều thông tin. Các ý kiến đều có căn cứ chính trị pháp lý, thực tiễn rõ ràng và sâu sắc, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của đại biểu Quốc hội đối với dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá tuy luật là mới, khó nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã tích cực, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu nhiều ý kiến các vị đại biểu thảo luận tại Tổ để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật với chất lượng cao, kèm theo dự thảo báo cáo dự kiến tiếp thu giải trình của dự thảo luật với nhiều nội dung có căn cứ rõ ràng, có tính thuyết phục; cung cấp thêm nhiều thông tin để đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các ý kiến cơ bản nhất trí về sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh, bố cục và nhiều nội dung của dự thảo luật, đồng thời, có ý kiến về một số nội dung cụ thể.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại khẩn trương chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận; hoàn chỉnh dự thảo luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 9. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật, gửi Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp rà soát kỹ thuật văn bản theo quy định, đồng thời hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, với tinh thần “không có ý kiến nào không được tiếp thu, giải trình một cách thấu đáo” nhằm tạo sự đồng thuận cao, thực hiện đúng kế hoạch và chương trình của kỳ họp.
Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Chi tiết >>
Trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự ...
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và điều kiện ...
Những điểm mới nổi bật của Luật BHXH 2024
Bộ Tài chính: Hướng tới nền hành chính hiện đại, số hóa ...
BHXH Việt Nam và WB: Thúc đẩy bao phủ an sinh xã hội toàn ...
Bản tin Audio số 64 - Tháng 5/2025
Nghệ An: Phát động Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu Luật BHXH, ...
Thẻ BHYT điện tử - thuận tiện, nhiều lợi ích cho người tham ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?