Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
23/05/2025 04:55 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng ngày 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá về những kết quả nổi bật đạt được trong 4 tháng đầu năm 2025. Theo đó, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững; tăng trưởng tín dụng tích cực; xuất khẩu và nông nghiệp phát triển; ngành nông, lâm, thủy sản tiếp tục giữ tăng trưởng ổn định; ngành Du lịch bứt phá với 7,67 triệu lượt khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm; thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt trên 944 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán; an sinh xã hội được thực hiện tích cực;…
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 9 này, người dân đang mong đợi việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương cùng một số luật liên quan tới công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy.... Giữa tháng 6/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua các Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời trình Quốc hội xem xét việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ. Ảnh: TTXVN
Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh vào ngày 24/6/2025. Các nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 và tới ngày 15/8/2025, các địa phương phải sắp xếp xong tổ chức, bộ máy.
Nhấn mạnh đây là những nội dung hết sức quan trọng, liên quan tới việc quản lý, chỉ đạo, điều hành lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại các địa phương, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, phải đảm bảo tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, tạo tiền đề đạt tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, thời gian tới, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại gia tăng, chính sách bảo hộ từ các nền kinh tế lớn tiềm ẩn rủi ro đối với xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Về mặt chủ quan, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tiến độ chậm; sức mua, phục hồi chậm ở một số lĩnh vực, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước chưa thực sự mạnh mẽ; người dân hoang mang, lo sợ vì hàng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, những điều này đặt ra nhiều thách thức cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi không được phép chủ quan, lơ là. Theo đó, cần linh hoạt trong chiến lược thương mại, đàm phán quốc tế. Chú trọng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Thúc đẩy lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hiện nay.
Vấn đề bức xúc trong Nhân dân về các vụ buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị phát hiện với số lượng lớn trong thời gian gần đây, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cũng như Ban chỉ đạo 389 tại các tỉnh cùng với các sở, ban, ngành liên quan phải tích cực vào cuộc, tăng cường quản lý thị trường, xử lý quyết liệt hơn nữa để người tiêu dùng tin tưởng, an tâm.
Về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị trường. Cùng với đó, tiếp tục cải thiện an sinh xã hội; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bão, lũ…
“Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, Quốc hội tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng với Chính phủ cải cách thể chế, pháp luật mạnh mẽ để thực sự tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bằng hành động cụ thể, chỉ trong thời gian ngắn, Quốc hội đã làm việc trên tinh thần hết sức tích cực, khẩn trương, ngay tại Kỳ họp này, hai Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 ) đã được Quốc hội hết sức ủng hộ, thể chế hóa ngay thành Nghị quyết số 197 và Nghị quyết số 198 của Quốc hội.
Ngoài cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, còn nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước trong thời gian tới, trong đó có kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025); 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2026); Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; Bầu cử Quốc hội khóa XVI và Hội đồng nhân dân các cấp… Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời gian không còn nhiều, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; đồng thời đề nghị các đại biểu tiếp tục phát huy tinh thần làm việc, mạnh dạn hiến kế để Kỳ họp thực sự hiệu quả, chất lượng hơn nữa./.
Thắng Trần
Chi tiết >>
Trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự ...
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và điều kiện ...
Những điểm mới nổi bật của Luật BHXH 2024
Thẻ BHYT điện tử - thuận tiện, nhiều lợi ích cho người tham ...
Chương trình Giao lưu trực tuyến chủ đề “Bảo hiểm xã hội - ...
Trao tặng sổ BHXH, thẻ BHYT: Lan tỏa giá trị nhân văn của ...
Thúc đẩy hợp tác lĩnh vực an sinh xã hội giữa Việt Nam và ...
Hiệu quả tuyên truyền phát triển người tham gia BHXH, BHYT: ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?