Người bị trầm cảm được nghỉ bao nhiêu ngày chữa bệnh theo chế độ?

09/05/2024 09:47 AM


Trường hợp bị bệnh rối loạn lo âu và trầm cảm, khi đi khám bệnh, bệnh viện được quyền cấp giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối đa là bao nhiêu ngày?

Ảnh minh hoạ, nguồn Internet

1. Tại Khoản 1 Điều 20 Thông tư số 56/2017/TT-BYT và phần hướng dẫn ghi giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tại Phụ lục 7 quy định: “Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, căn cứ tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, để cấp giấy chứng nhận cho người bệnh, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn”.

Như vậy, bác sỹ khám bệnh, chữa bệnh là người có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH với thời gian điều trị ngoại trú dựa trên tình trạng sức khỏe của em bạn.

Cơ quan BHXH căn cứ thời gian mà bác sỹ khám bệnh, chữa bệnh cho em bạn nghỉ thể hiện trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và mã bệnh, để xác định và giải quyết chế độ ốm đau đối với em của bạn.

2. Tại Điều 26 Luật BHXH quy định thời gian hưởng chế độ ốm đau như sau:

Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Phương Chi