Giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn

20/12/2023 04:45 PM


Chiều 22/12, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Tọa đàm Phát triển Giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục, đào tạo.

Tại Tọa đàm, ông Lê Tấn Dũng- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng có nhiều chuyển biến. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực GDNN từng bước được bổ sung, hoàn thiện; hệ thống GDNN được kiện toàn, thống nhất các trình độ đào tạo. Mạng lưới cơ sở GDNN phát triển đa dạng về hình thức sở hữu, mô hình hoạt động; nguồn lực đầu tư cho GDNN được đa dạng hóa. Điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN từng bước được cải thiện. Chất lượng GDNN từng bước được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về nhân lực phục vụ trực tiếp trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Hiện cả nước có 1.886 cơ sở GDNN, trong đó có 1.196 cơ sở GDNN công lập (chiếm 63,4%). Số lượng tuyển sinh giai đoạn 2013-2023 đạt khoảng 21 triệu người, trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng đạt khoảng 2,41 triệu người (11,35%), trình độ trung cấp đạt khoảng 2,86 triệu người (13,51%). Lao động Việt Nam từng bước tham gia, đảm nhận nhiều vị trí công việc trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm...

Tuy nhiên, quy mô GDNN còn nhỏ; cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo chưa phù hợp; chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành, nghề mới, kỹ năng tiên tiến; chính sách pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; nguồn lực đầu tư cho phát triển GDNN chưa tương xứng; gắn kết giữa nhà nước- nhà trường- doanh nghiệp chưa chặt chẽ; công tác phân luồng học sinh sau THCS chưa hiệu quả; công tác đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho NLĐ chưa được chú trọng, chưa tạo cơ hội và khuyến khích NLĐ tham gia học tập suốt đời...

Trước thực trạng đó, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, yêu cầu đổi mới và phát triển GDNN, cần tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức về tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW, đồng thời tiếp thu tinh thần các văn kiện của Đại hội Đảng XIII trong bối cảnh mới. Tiếp tục rà soát quy định hệ thống pháp luật về GDNN để phát hiện những bất cập, từ đó bổ sung, chỉnh sửa phù hợp. Tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng của các cơ sở GDNN, nâng tỉ lệ học sinh tốt nghiệp GDNN có việc làm và làm việc đúng ngành nghề đào tạo… Đồng thời, bảo đảm tính mở và linh hoạt, cho phép liên thông giữa các ngành, cơ sở giáo dục tiếp cận các bậc trình độ khác nhau.

Nhận định từ ông Đinh Công Sỹ- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì tuy đạt những thành quả nhất định, nhưng triển khai chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp 10 năm qua vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình đào tạo nguồn nhân lực nói chung, GDNN nói riêng. Từ kết quả giám sát nhiều năm qua của Quốc hội cho thấy, để có thể đẩy mạnh GDNN, cần quan tâm 3 mảng nội dung. Cụ thể, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo GDNN được phát triển mạnh mẽ; nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN, từ xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất đến chương trình đào tạo, đáp ứng phát triển xã hội, cách mạng khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng quan hệ giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp, theo hướng doanh nghiệp vừa là nơi đặt hàng, cùng tham gia đào tạo và cũng là nơi tiếp nhận, sử dụng sản phẩm của GDNN. Làm rõ hơn chính sách việc làm nhằm cải thiện nhận thức xã hội với GDNN.

Kết luận Tọa đàm, ông Nguyễn Đắc Vinh- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh 5 nhóm vấn đề liên quan đến phát triển GDNN. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách cũng như công tác quản lý Nhà nước về GDNN; quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN cần bảo đảm về cả quy mô lẫn cơ cấu đào tạo. Trong đó, có chính sách cụ thể đào tạo một số ngành nghề thiết yếu cũng như đưa ra dự báo, quy hoạch ngành nghề mới để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; bảo đảm chất lượng GDNN, bên cạnh đạt chuẩn đầu ra còn là mức độ đáp ứng yêu cầu thị trường, có sự đánh giá của nhà SDLĐ; đặc biệt quan tâm bảo đảm nguồn lực tài chính cho GDNN, không chỉ từ NSNN mà còn là cơ chế khuyến khích đầu tư vào GDNN; kết nối chặt chẽ Nhà trường- Nhà nước- DN trong hoạt động GDNN.

PV