Luật Giá (sửa đổi): Gỡ bỏ khúc mắc trong thẩm định giá, bổ sung một số quy định có lợi cho người người dân

24/05/2023 08:11 AM


Tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 23/5, các đại biểu Quốc hội đánh giá, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã được chỉnh lý công phu, Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý rất chất lượng, trong đó, các danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá hay do Nhà nước định giá đã được rà soát thận trọng, kỹ lưỡng, bổ sung một số quy định có lợi cho người tiêu dùng, người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo Luật đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước; làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình.

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đánh giá cao Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo Luật đã nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án Luật. Nhiều ý kiến cho rằng, về cơ bản, dự thảo Luật đã tháo gỡ được các vấn đề khúc mắc trong thẩm định giá.

Một số đại biểu cho rằng, những quy định trong luật đã cơ bản tháo gỡ được các vấn đề khúc mắc trong thẩm định giá, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thị trường lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh. Ảnh: Quốc hội

Để góp phần hoàn thiện, tránh sự lúng túng trong quá trình thực hiện, đại biểu cho rằng, cần bổ sung thêm quy định về cơ sở, nguyên tắc, phương pháp, quy trình thẩm định giá của Nhà nước tại Mục 3, Chương 6 của dự thảo Luật, giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về nguyên tắc xác định giá dịch vụ thẩm định giá, Điều 57 của dự thảo Luật đang quy định: “Giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo giao dịch dân sự giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng thẩm định giá và được ghi trong hợp đồng thẩm định giá; đảm bảo nguyên tắc bù đắp chi phí thực tế hợp lý để thực hiện đầy đủ các hoạt động theo phạm vi công việc được quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam”.

Hiện nay, nhu cầu thuê tổ chức thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá tài sản trong mua sắm tài sản công, xử lý các vấn đề liên quan đến định giá tài sản là rất lớn, tuy nhiên, mức giá dịch vụ thẩm định giá được xác định như thế nào lại chưa được quy định rõ, do đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định về căn cứ xác định giá dịch vụ thẩm định giá.

Thẩm định giá của Nhà nước là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong hoạt động thẩm định giá của Nhà nước. Về việc xác định trách nhiệm, Dự thảo Luật hoàn thiện theo hướng quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, cơ quan tương ứng với công việc mà mình thực hiện.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, bổ sung nhiều nội dung về hoạt động thẩm định giá của Nhà nước, theo đó đã bổ sung 2 Điều bao gồm về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập Hội đồng thẩm định giá và quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thẩm định giá.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Ngoài ra, quy định rõ hơn về phạm vi thẩm định giá của Nhà nước; bổ sung quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với Hội đồng thẩm định giá, thành viên Hội đồng thẩm định giá. Những quy định trên nhằm vừa tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, vừa bảo đảm tính khả thi, giúp các cá nhân, tổ chức yên tâm thực hiện đúng chức trách được giao.

Tại phần thảo luận, đại biểu Quốc hội nhận định những quy định trong dự thảo Luật đã cơ bản tháo gỡ được các vấn đề khúc mắc trong thẩm định giá, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thị trường lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, có nhiều đại biểu góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) về các nội dung như: Đề xuất bỏ giá trần sàn đối với vé máy bay; đề nghị giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến giá sách giáo khoa; Đề xuất điều chỉnh cụm từ “giá dịch vụ giáo dục” thành “giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo”; Bổ sung thêm quy định về cơ sở, nguyên tắc, phương pháp, quy trình thẩm định giá của Nhà nước; Đề nghị xem xét, quy định cụ thể các trường hợp thực hiện thẩm định giá theo quy định của pháp luật về ngân sách và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; Bổ sung quy định về căn cứ xác định giá dịch vụ thẩm định giá; Đề nghị bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý nhà nước về giá...

PV