Thi đua khen thưởng phải đảm bảo tính toàn diện, chính xác, công bằng, bình đẳng

28/05/2022 09:36 AM


Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, ngày 27/5, Quốc hội nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Trình bày Báo cáo, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, ngày 29/3/2022, Bộ Chính trị đã có Kết luận về khen thưởng thành tích kháng chiến tại Thông báo số 11-TB/TW. Thể chế hóa Kết luận của Bộ Chính trị, khoản 1 Điều 96 dự thảo Luật đã quy định “Nhà nước tiếp tục xem xét, thực hiện, hoàn thành khen thưởng thành tích kháng chiến trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đối với những cá nhân, tập thể, gia đình đủ điều kiện, tiêu chuẩn." Đồng thời, giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện quy định này.

Về danh hiệu vinh dự Nhà nước nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú quy định ở Điều 66, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ như Luật hiện hành, theo đó nhạc sỹ và phát thanh viên là đối tượng được xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu về việc giữ quy định hiện hành.

Về vấn đề xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép được chỉnh lý Điều 93 của dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định trường hợp tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ quyết định khen thưởng. Quy định cụ thể hơn về các trường hợp cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà có hành vi vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước; chỉnh lý quy định cụ thể về nội dung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về vấn đề xử lý vi phạm.

ĐBQH đề nghị bổ sung thư khen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào luật khen thưởng

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho hay thư khen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là sự động viên, khích lệ to lớn với tập thể, cá nhân có thành tích, do đó ông đề nghị bổ sung hình thức thư khen vào dự Luật thi đua khen thưởng sửa đổi.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Quochoi

Theo đại biểu Ngân, hiện tại trong điều 9 dự thảo Luật thi đua khen thưởng về hình thức khen thưởng đã quy định 7 hình thức khen thưởng, gồm: huân chương; huy chương; danh hiệu vinh dự nhà nước; giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước; kỷ niệm chương, huy hiệu; bằng khen và giấy khen, thì chỉ cần thêm một dòng thứ 8 là thư khen sẽ "rất tuyệt vời".

Ông nhấn mạnh, việc đại biểu Quốc hội nhận được một thư khen sẽ năng nổ, làm việc nhiều hơn và dành nhiều thời gian, công sức hơn.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến sau đó cũng bày tỏ đồng ý với đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ông đánh giá "thư khen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là hết sức cao quý, là sự động viên lớn nên rất cần đưa vào luật này".

Cần làm rõ hơn tiêu chí gia đình văn hóa

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng nhận định các danh hiệu từ cá nhân đến tập thể, từ phạm vi xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố đến gia đình đều nhằm mục đích ghi nhận thành tích, công trạng của mỗi người, cơ quan, đơn vị.

"Điều cốt lõi và căn cơ nhất cho mỗi cá nhân có thể trở thành công dân có ích cho xã hội, không gì khác ngoài gia đình nơi dưỡng dục, hình thành nhân cách con người để tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà mục tiêu của Luật thi đua, khen thưởng đề ra", ông nêu rõ.

Tuy nhiên, các quy định về tiêu chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa theo ông còn chưa rõ ràng. Đó là về tiêu chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa sẽ là một thách thức không hề nhỏ khi triển khai thực tế, khi một trong những tiêu chuẩn của danh hiệu này là gia đình có kinh tế ổn định và phát triển.

Khi bàn về danh hiệu gia đình văn hóa, ông Nhân cũng nhắc lại câu chuyện của một đại biểu Quốc hội khóa XIV đã thẳng thừng từ chối danh hiệu này.

"Đây không còn là chuyện riêng của đại biểu đó nữa, bởi trong quá trình tham vấn chính sách về thực hiện dân chủ cơ sở, sự quan tâm của xã hội với danh hiệu vốn dĩ rất cao quý này ít nhiều bớt đi hoặc không ít câu chuyện cười ra nước mắt với các gia đình nhận danh hiệu gia đình văn hóa phần nào cho thấy cách làm thiếu chặt chẽ, công khai, dân chủ chưa bám sát tiêu chuẩn…", ông Nhân nêu.

Dự thảo Luật đảm bảo tính bao quát toàn diện, chính xác, công bằng, bình đẳng

Tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đến nay, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự án Luật Thi đua, khen thưởng đã được sửa đổi căn bản, toàn diện với 96 điều. Trong đó, có tới 88 điều làm mới và được sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý, giữ nguyên 7 điều. Dự án luật thể hiện rất rõ 4 chính sách: Hoàn thiện về hệ thống thi đua; hệ thống khen thưởng; về chế định, thẩm quyền phân cấp; hoàn thiện những quy định về cải cách hành chính cũng như về hồ sơ thi đua, khen thưởng.

Dự án Luật bám sát nguyên tắc, yêu cầu sửa đổi, vừa kế thừa, vừa đổi mới để đảm bảo được tính bao quát, toàn diện, chính xác, công bằng, bình đẳng và đáp ứng được yêu cầu về thực tiễn khoa học đại chúng, đúng với tính chất đặc thù của Luật Thi đua, khen thưởng. Dự án Luật cũng thể hiện rất đầy đủ, toàn diện về mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo được những yêu cầu đổi mới là thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó và có thành tích thì được khen thưởng, đồng thời hướng về những đối tượng đặc thù rất toàn diện, rất bao quát.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã nhiều lần được cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tổ chức xin ý kiến, tại phiên họp hôm nay tiếp tục nhận được nhiều ý kiến sâu sắc, trách nhiệm, thể hiện rõ chính kiến của đại biểu Quốc hội, có nhiều góp ý cụ thể xuất phát từ thực tiễn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiếp tục chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này./.

PV