Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp phòng chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội

21/10/2021 02:29 PM


Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, ngày 21/10 Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, do ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, tình hình kinh tế - xã hội trong nước đã gánh chịu nhiều tác động nặng nề, tăng trưởng kinh tế 9 tháng giảm mạnh còn 1,42%, cả năm ước chỉ khoảng 3%, 4/12 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng, nổi bật như: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân 9 tháng tăng 1,82%… Dịch bệnh đến nay cơ bản được kiểm soát. Thành quả này có được là nhờ sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đồng hành, chủ động, linh hoạt của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự ủng hộ tin tưởng của Nhân dân, sự hỗ trợ của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Theo ĐBQH Lê Tấn Tới (Long An), cái được lớn nhất trong thời gian qua chính là lòng dân. 

Phiên họp tổ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) cũng đề nghị Chính phủ đánh giá thêm về việc tăng giá xăng dầu. 9 tháng vừa tháng qua, xăng dầu đã tăng hơn 10 lần và tăng hơn 26%, với lý do giá xăng dầu thị trường thế giới tăng. Tuy nhiên, điều này bất thường với thị trường trong nước, vì theo báo cáo, tổng cầu xăng dầu của nước ta trong 9 tháng qua đã giảm, đặc biệt các kho xăng dầu trong nước dự trữ dư thừa. Việc tăng giá xăng dầu trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp còn khó khăn, thì đã hợp lý hay chưa? 

Một vấn đề cần lưu ý nữa là chi phí dịch vụ hậu cần (logistics) tăng cao do nguyên nhân khách quan như chi phí vận tải biển, chi phí thuê container... Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng còn có các nguyên nhân chủ quan mà Chính phủ phải đánh giá như: vấn đề lưu thông hàng hóa, chi phí chờ đợi… Thậm chí có những chi phí vận tải lưu thông hàng hóa tăng gấp nhiều lần. Đây là điểm nghẽn lớn cần phải xử lý để bảo đảm lưu thông hàng hóa trong thời gian tới. Những vấn đề tồn tại khác không phải do dịch Covid-19 như giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chỉ đạt 47% so với kế hoạch, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước rất thấp diễn ra không chỉ trong năm 2020, 2021, mà đã kéo dài nhiều năm cũng cần được nhìn nhận và khắc phục.

Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các ĐBQH đề nghị cần bảo đảm sự cân đối giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, nhằm tạo dư địa để phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế; có nguồn lực thúc đẩy sự phát triển cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân đầu tư công; hỗ trợ mạnh mẽ cho an sinh xã hội, nhất là lực lượng lao động tự do.

Quan tâm đến làn sóng lao động di cư trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ĐBQH Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) đặt vấn đề, Quốc hội, Chính phủ sẽ làm gì để kích thích người lao động quay trở lại thị trường lao động? Có hai vấn đề đặt ra là lương và an sinh xã hội. Đáng lưu ý, nhiều đại biểu đề cập đến vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân để người lao động có thể định cư, yên tâm lao động sản xuất. Đây cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhưng đến nay việc triển khai thực hiện vẫn chưa quyết liệt, nhiều địa phương vẫn chưa quy hoạch được quỹ đất dành cho việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Do vậy, Chính phủ cần có đề xuất phát triển kinh tế lao động, để người lao động tham gia cùng Chính phủ phục hồi kinh tế, đưa lực lượng lao động quay trở lại các khu công nghiệp. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn lao động phù hợp với thời kỳ Covid-19.

Cùng với đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, các đại biểu đề nghị thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Quốc hội giao.

Các đại biểu đánh giá cao sự cố gắng, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, dần đưa nước ta trở lại trạng thái bình thường mới.

Đồng tình với đánh giá của Chính phủ về những tồn tại trong phòng chống dịch, một số đại biểu đề nghị tới đây các địa phương cần sớm khắc phục để tạo điểm tựa trong khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều đại biểu cũng đề nghị, để đẩy lùi dịch bệnh cần tăng cường đẩy nhanh tăng tốc tiêm chủng vaccine cũng như quan tâm chuẩn bị nguồn thuốc điều trị.

Đại biểu cũng đề nghị cần xây dựng kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế để triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp kịp thời với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.

PV