Chung tay thực hiện "Điều ước cho em" tại các địa bàn khó khăn

12/04/2021 04:03 PM


Chiều 11/4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Đề án tri thức Việt số hóa tổ chức Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tới dự và phát biểu tại buổi lễ.

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chương trình “Điều ước cho em”. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em" được tổ chức vào ngày "Làm việc tốt" 11/4 nhằm khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái”, huy động nguồn lực từng bước hỗ trợ các trường học ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Chương trình nhằm vận động kết nối nguồn lực, sẻ chia và lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng và xã hội để hỗ trợ các cơ sở giáo dục cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường học tập và điều kiện học tập, sinh hoạt cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các tỉnh bị thiệt hại do lũ, lụt gây ra, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy phát triển giáo dục tại các địa bàn đặc biệt khó khăn.

Với nền tảng công nghệ trên Cổng nhân đạo quốc gia (https://inhandao.vn/dieu-uoc-cho-em), chương trình “Điều ước cho em" cho phép kết nối dòng chảy thiện nguyện, ủng hộ từ nhà hảo tâm đến những điểm trường khó khăn trên cả nước, theo tiêu chí “đúng đối tượng - đúng nhu cầu - đúng thời điểm”. Hiện đã có gần 2.000 trường học của 39 tỉnh đăng ký nhu cầu hỗ trợ trên Cổng nhân đạo quốc gia (http://inhandao.vn/Điều ước cho em); gần 5.000 trường học có dữ liệu đăng ký cụ thể nhu cầu hỗ trợ các điều ước.

Đáng chú ý, ngay sau cuộc gặp gỡ của 63 thầy cô giáo dân tộc thiểu số tiêu biểu tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tháng 11/2020, nhiều điều ước của các thầy cô ở những nơi khó khăn nhất của 16 tỉnh trên cả nước đã trở thành hiện thực với những công trình “trường đẹp cho em”, “nhà bán trú cho em”, hàng vạn bữa ăn dinh dưỡng, nhiều suất học bổng có ý nghĩa và giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần đã được trao đến với các em học sinh, thầy cô giáo…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: DCS

Phát biểu tại buổi Lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Đảng, Nhà nước, cả xã hội luôn chăm lo cho thiếu niên nhi đồng, và “ai cũng nặng lòng khi xem những thước phim trong phóng sự chiếu tại lễ phát động, nhiều cháu học sinh không được ăn trưa đầy đủ để đến trường, nhiều trường học còn thiếu thốn đủ thứ”. Những điều đó thôi thúc mỗi người chúng ta cần làm điều gì đó cho các em, nếu đã làm rồi thì làm tốt hơn nữa, nếu chưa chú ý thì sẽ chú ý hơn nữa.

Chương trình "Điều ước cho em" không phải là một sự khởi đầu mà đã có hàng trăm nghìn tổ chức, cá nhân, những tấm lòng thiện nguyện lặng lẽ làm từ rất nhiều năm, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng với cách làm mới, Chương trình không chỉ nhận tiền tài trợ, mà còn trở thành điểm kết nối, hỗ trợ các nhà hảo tâm, cấp ủy Đảng, chính quyền. Tất cả các trường học, thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh, tình nguyện viên cập nhật lên Chương trình những yêu cầu thiết thực nhất ở trường mình, lớp mình. Những yêu cầu vật chất, tinh thần được truyền tải, phân thành những nhóm cụ thể cho chính quyền làm, cộng đồng hỗ trợ, ngành giáo dục tham gia. Những sự hỗ trợ được kết nối lại để không trùng lắp, được sử dụng tối ưu nhất, đều được công khai kết quả để cộng đồng tham gia giám sát.

Nhân dịp này, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đề án Hệ tri thức Việt số hóa đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình. Nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã trao biển cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng chương trình trao tặng 16 công trình "Trường đẹp cho em", "Nhà bán trú cho em", 1.000 “Nhà vệ sinh cho em", bữa ăn trưa cho trên 30.000 học sinh và hàng nghìn suất học bổng, quà tặng cho học sinh với tổng trị giá gần 127 tỷ đồng./.

PV