Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Chú ý chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi"

16/10/2020 03:14 PM


Người cao tuổi cần được chăm sóc cả về sức khỏe lẫn tinh thần, được phát huy vai trò trong các hoạt động văn hóa, xã hội, kinh tế… tại địa phương, qua đó tuyên truyền, lan tỏa tới những thế hệ sau những giá trị tốt đẹp qua những câu chuyện, chiêm nghiệm trong cuộc sống.Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy tháng 10 hàng năm là tháng hành động vì người cao tuổi lời nhắc nhở toàn xã hội phải chú ý chăm sóc và quan trọng hơn là phát huy vai trò của người cao tuổi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phất biểu tại sự kiện. Ảnh: VGP

Đây là mong muốn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Việt Nam chia sẻ tại sự kiện hưởng ứng tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi”, sáng 16/10.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy tháng 10 hàng năm là tháng hành động vì người cao tuổi lời nhắc nhở toàn xã hội phải chú ý chăm sóc và quan trọng hơn là phát huy vai trò của người cao tuổi.

Theo Phó Thủ tướng, để người cao tuổi sống lâu, sống khỏe, sống hạnh phúc, sống có ích, trước hết cần quan tâm hơn nữa công tác y tế, chăm sóc sức khỏe.  Theo thống kê của Bộ Y tế đến hết năm 2019, 54% người cao tuổi có bệnh cao huyết áp, 42% có bệnh xương khớp, 20% có bệnh về phổi, 18% có bệnh liên quan đến tiêu hóa… Bên cạnh các bệnh viện lão khoa, cơ sở chăm sóc y tế cho người cao tuổi, ngành y tế đang tích cực triển khai nhiều giải pháp như khám chữa bệnh từ xa, kết nối toàn bộ các trạm y tế, sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm y tế,... Mục tiêu là người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ngay tại nơi cư trú với sự hướng dẫn của các bác sĩ tuyến trên; lập hồ sơ sức khỏe  điện tử cho mọi người dân, tiến tới mỗi người cao tuổi đều có bác sĩ, cơ sở y tế theo dõi.

Cùng với đó, người cao tuổi cần được chăm sóc cả về tinh thần, đặc biệt là phát huy vai trò trong các hoạt động văn hóa, xã hội, kinh tế… tại địa phương, qua đó tuyên truyền, lan tỏa tới những thế hệ sau những giá trị tốt đẹp qua những câu chuyện, chiêm nghiệm trong cuộc sống.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu người cao tuổi tham dự sự kiện. Ảnh: VGP

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: Do đặc thù của người cao tuổi và hậu quả của chiến tranh kéo dài, điều kiện kinh tế - xã hội mỗi vùng miền có khác nhau, nên một bộ phận người cao tuổi cuộc sống còn gặp khó khăn.

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Kính lão trọng thọ”, mỗi địa phương tuy có những hình thức vận động khác nhau, nhưng mục đích đều hướng tới hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2015 đến 2019, đã vận động được gần 842 tỷ đồng, bình quân mỗi năm vận động được 170 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Đến nay, Việt Nam đã có 106 bệnh viện cấp Trung ương và cấp tỉnh có Khoa Lão khoa, gần 1.000 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng dành cho người cao tuổi. Đồng thời, đã có trên 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, 96% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, đa số các bệnh viện thực hiện ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên…

Bên cạnh đó, hiện có 97.131 người cao tuổi trực tiếp tham gia cấp ủy ở các chi bộ thôn, ấp, bản, tổ dân phố; 84.910 người cao tuổi có uy tín, được Đảng tin, nhân dân tín nhiệm giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia Hội đồng nhân dân, đảm nhận các vị trí trưởng, phó thôn, ấp, bản, tiểu khu, tổ dân phố; 498.219 người cao tuổi đang trực tiếp tham gia công tác Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở; trên 1,2 triệu người cao tuổi tham gia các tổ, nhóm phòng, chống tội phạm, bảo vệ trị an ở địa phương.

Năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 11,86% dân số và sẽ tăng lên gần 17% vào năm 2030. Nước ta là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Vì vậy, xây dựng một xã hội mà trong đó người cao tuổi được quan tâm về đời sống vật chất, tinh thần, được phát huy trí tuệ, kinh nghiệm cho phát triển kinh tế - xã hội là một nhiệm vụ quan trọng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội./.

PV