Khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành

20/08/2020 08:56 AM


Ngày 19/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức Lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia; Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hội nghị được trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số điểm cầu trải nghiệm thực tế tại một số địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia hình thành trên cơ sở Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với các Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương. Đến nay, đã có Hệ thống thông tin báo cáo của 30 bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn  kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; đồng thời, đã có 101/200 chỉ tiêu báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được các bộ, cơ quan kết nối, cung cấp dữ liệu trên Hệ thống (trong đó, 66 chỉ tiêu có dữ liệu từ năm 2010 hoặc từ khi được số hóa, 35 chỉ tiêu có dữ liệu từ năm 2017 đến nay). Chi phí tiết kiệm khi vận hành Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ (chưa tính các chế độ báo cáo triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương và chỉ phục vụ mục tiêu chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành, địa phương): Khoảng 460 tỷ đồng/năm.

Về dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, từ 8 nhóm dịch vụ công được tích hợp, cung cấp ở giai đoạn khai trương (ngày 9/12/2019), đến nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000. Sau 9 tháng hoạt động, Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng đã phục vụ gần 60 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ, với hơn 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trung bình mỗi ngày xử lý 4.000 hồ sơ trực tuyến, hàng trăm giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng. Theo đó, ước tính tổng chi phí xã hội tiết kiệm được do Cổng Dịch vụ công Quốc gia đóng góp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (tính tại thời điểm thích hợp, cung cấp dịch vụ công thứ 1.000) là khoảng 6.722 tỷ đồng/năm. Theo đó, dịch vụ công thứ 1.000 được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia là: Kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 (thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh).

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc và chỉ đạo trực tiếp với lãnh đạo một số địa phương, cơ quan tại các điểm cầu: Bình Phước, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế và Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực của VPCP và các bộ, cơ quan, đơn vị liên quan đã tích cực phối hợp triển khai, đưa vào khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành.

Thủ tướng nêu rõ, xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội. “Xây dựng và phát triển Chính phủ là con đường đúng đắn để phát triển một đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Do đó, chúng ta cần tiếp tục khẳng định một cách mạnh mẽ rằng năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một 'Việt Nam số'", Thủ tướng phát biểu.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai trương

Nhân dịp này, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề với các bộ, địa phương, cơ quan. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn cải cách quản trị công với chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Thông tin dữ liệu phải thống nhất, theo tiêu chuẩn, hoạt động thông suốt, đem lại hiệu quả cao nhất. Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ cán bộ, công chức làm việc trên môi trường mạng; đào tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, trang bị kỹ năng số cần thiết để có những thay đổi nhanh chóng; ngày càng thích ứng với môi trường làm việc trên mạng. “Trong thời gian tới, công chức, viên chức Nhà nước phải là những người tinh thông nghiệp vụ và giỏi về công nghệ”, Thủ tướng nói.

Về Cổng Dịch vụ công quốc gia, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành việc tích hợp các dịch vụ công thiết yếu như xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, khoáng sản, thuế, xử lý vi phạm hành chính, viện phí, học phí… Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tính năng của Cổng để bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Mục tiêu là phải hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.

Đưa ra yêu cầu đối với các bộ, các ngành, các địa phương, Thủ tướng nêu rõ: Không được cát cứ thông tin, không được làm đẹp số liệu để lấy thành tích. Cùng với đó, cần đẩy mạnh chia sẻ thông tin, hướng tới xây dựng Chính phủ số liêm chính, minh bạch, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng giao VPCP chủ trì phối hợp với các bộ, các ngành, các địa phương lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu phục vụ chỉ đạo điều hành hằng ngày của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cung cấp trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành. Đặc biệt, phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, không để xảy ra lộ lọt thông tin, dữ liệu./.

PV