COVID-19

Cần linh hoạt triển khai gói hỗ trợ cho các đối tượng do địa phương thay đổi địa giới hành chính

18/05/2020 04:13 PM


Đến nay, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã và đang triển khai gói hỗ trợ gần 62.000 tỷ đồng cho 6 nhóm đối tượng bị tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, một số địa phương cho biết vẫn còn có những khó khăn, bất cập phát sinh khi triển khai thực hiện gói hỗ trợ và đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan một số giải pháp khắc phục.

Theo Đại biểu Đỗ Thị Lan-Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội, thực tế hiện nay, còn có ngân hàng thương mại lo lắng khi cho doanh nghiệp vay nhưng khó có khả năng chi trả; doanh nghiệp khó có khả năng hoạt động tiếp tục nên việc cho vay còn cầm chừng. Mặt khác, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, đối tượng là giáo viên giảng dạy ở các trường ngoài công lập có thu nhập thấp ở một số địa phương lại gặp khó khăn trong cuộc sống thì cũng cần giải pháp để tháo gỡ và quan tâm hơn đối với họ.

Ngoài ra, theo quy định, các đối tượng nghèo và cận nghèo được chốt theo danh sách đến ngày 31/12/2019. Vừa qua, một số địa phương thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về sắp xếp, hợp nhất các đơn vị hành chính thì có trường hợp người dân ở huyện nghèo sáp nhập vào thành phố; xã nghèo, thôn nghèo sáp nhập vào thị trấn. Ở thành phố lấy tiêu chí chuẩn nghèo ở mức độ cao hơn mức chuẩn nghèo ở huyện, xã. Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị quyết 88 từ ngày 1/1/2020, những hộ dân ở các huyện, xã khi sáp nhập vào thành phố theo thời gian này lại trở thành hộ nghèo nhưng không được hưởng chính sách hỗ trợ vì đã thoát khỏi diện hộ nghèo ở thời điểm 31/12/2019. Đây là vướng mắc ở nhiều địa phương nên cần có sự tháo gỡ để người dân thuộc diện phát sinh như trên được hưởng hỗ trợ.

Theo bà Lan,để gói hỗ trợ đến đúng doanh nghiệp, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, các ngân hàng thương mại phải có động thái tích cực hơn để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với lãi suất phù hợp, lãi suất thấp nhất. Ngoài ra, các ngân hàng cần có giải pháp giảm tải thủ tục hành chính để những đối tượng này được tiếp cận kịp thời với gói hỗ trợ nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội

Đối với người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo phát sinh khi địa phương có sự thay đổi về địa giới hành chính, giáo viên giảng dạy ở các trường ngoài công lập, các địa phương cần có sự cân đối ngân sách ở địa phương mình, linh hoạt để có phương thức hỗ trợ bổ sung sao cho người dân không bị thiệt thòi.

Ngoài ngân sách của Chính phủ, những tỉnh, thành có ngân sách phát triển thì dễ dàng hỗ trợ thêm cho các đối tượng thụ hưởng hơn những địa phương có ngân sách eo hẹp, khó khăn. Chính vì vậy, Chính phủ và các Bộ ngành cần có sự đánh giá tác động, rà soát kỹ nguồn ngân sách của Nhà nước để đảm bảo công bằng cho các đối tượng được thụ hưởng ở các địa phương.

Bên cạnh đó, để gói hỗ trợ đến đúng đối tượng và không bị trục lợi, các địa phương cần có sự phổ biến rộng rãi, công khai minh bạch các chính sách, đối tượng được thụ hưởng với số tiền là bao nhiêu để người dân có thể tự giám sát việc thực hiện gói hỗ trợ.

Ngoài ra, các cơ quan giám sát như đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân cần nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ. Nếu cá nhân, đơn vị nào thực hiện sai, trục lợi tiền hỗ trợ thì cương quyết áp dụng chế tài xử lý nghiêm.

Phạm Tú