Các tổ chức ASXH cần thích nghi để đáp ứng tốt hơn trong thời đại công nghệ số

24/03/2020 10:55 AM


Hiện nay công nghệ kỹ thuật số đã đi vào tất cả các khía cạnh của đời sống và có chiều hướng tiếp tục gia tăng tác động trong những năm tới, mở ra những cơ hội mới thú vị để cải thiện cuộc sống của người dân nếu chúng ta biết sử dụng chúng một cách khôn ngoan, đặc biệt là trong lĩnh vực ASXH.

Công nghệ kỹ thuật số cho thấy tiềm năng to lớn của nó trong  rất nhiều hoạt động thuộc lĩnh vực ASXH như chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an toàn tại nơi làm việc, thu bảo hiểm và trao đổi dữ liệu. Công nghệ đã đáp ứng yêu cầu trợ giúp của con người một cách kịp thời đặc biệt là người già gặp khó khăn trong vận động hoặc người khuyết tật cũng góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng dịch vụ. Công nghệ số cũng được lồng ghép với các dịch vụ thương mại để tiết kiệm chi phí hoạt động.

Bên cạnh việc tạo ra những nhu cầu và cơ hội mới bằng cách kết nối cung và cầu với chi phí thấp, công nghệ kỹ thuật số còn giúp định hình lại thị trường lao động bằng cách tạo ra những thách thức đối với các hình thức lao động truyền thống và sự thiếu liên kết của lực lượng lao động.

Để tận dụng lợi thế này, một số quốc gia và tổ chức ASXH đã và đang thực hiện những chương trình đào tạo dài hạn và học tập suốt đời nhằm trang bị cho người lao động tương lai những kỹ năng phù hợp nhất giúp họ đối mặt với việc mất việc làm do robot và tự động hóa gây ra.

Ảnh minh hoạ

 

Nếu coi dữ liệu là huyết mạch của nền kinh tế kỹ thuật số, thì không thể phủ nhận rằng dữ liệu cũng là huyết mạch của hệ thống ASXH. Thông qua hoạt động của mình, các tổ chức ASXH có được một cơ sở dữ liệu lớn đối với cá nhân, cả người đóng góp và người thụ hưởng, tạo cơ sở cho việc cải thiện xây dựng và thiết kế chính sách, thậm chí cả những dự báo về yêu cầu ASXH trong tương lai. Tuy nhiên cần phải đảm bảo rằng sự tiện lợi bổ sung này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là rủi ro khi rò rỉ dữ liệu này.

Với quan điểm đáp ứng hiệu quả và nhanh chóng cho những thách thức này, các tổ chức ASXH cần thích nghi để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu mới và giảm thiểu hai rủi ro chính là: gia tăng khoảng cách giữa các nhóm và sự suy giảm quỹ bảo hiểm. ISSA đã xác định sáu lĩnh vực hành động ưu tiên trong thời gian tới bao gồm: đảm bảo về mặt pháp lý đối với vấn đề việc làm; đảm bảo nguồn tài chính bền vững đối với hệ thống ASXH; bảo mật dữ liệu; lấy con người làm trung tâm; phát triển nguồn nhân lực với tầm nhìn dài hạn; và đảm bảo yêu cầu về dịch chuyển lao động ASXH.

Thành Nam