Việt Nam tiến tới loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030

04/01/2020 02:57 PM


Theo Chương trình quốc gia phòng chống sốt rét của Việt Nam, nước ta đã từng bước thực hiện các chiến lược phù hợp để giảm tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét.

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay bệnh sốt rét còn lưu hành ở 91 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 3 tỷ người sống trong vùng sốt rét lưu hành. Ở Việt Nam, có khoảng 12 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành. Người mắc bệnh sốt rét chủ yếu là người nghèo, người dân tộc sống ở các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Để kéo giảm tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét, Chương trình Quốc gia phòng chống sốt rét của Việt Nam đã thực hiện nhiều chiến lược phù hợp. Kết quả là từ hơn 1 triệu trường hợp mắc sốt rét, 4.646 trường hợp tử vong do sốt rét năm 1991, đến năm 2018 chỉ còn 6.870 trường hợp mắc và chỉ có 1 trường hợp tử vong do sốt rét. Nhiều tỉnh, thành phố đã không còn lan truyền bệnh sốt rét... Trong năm 2019, Việt Nam tiếp tục công nhận loại trừ sốt rét tại 25 tỉnh bao gồm 16 tỉnh miền Bắc, 1 tỉnh miền Trung và 8 tỉnh miền Nam.

Tuy nhiên, công tác phòng chống, loại trừ bệnh sốt rét vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Vẫn diễn ra dịch bệnh ở một số địa phương; khi mắc sốt rét, người dân không đến trạm y tế khám để được điều trị kịp thời; cán bộ làm công tác phòng, chống sốt rét tuyến cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến việc giám sát, quản lý phòng chống sốt rét tại cơ sở gặp nhiều khó khăn, thách thức…

PGS.TS. Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, hiện Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét do ký sinh trùng sốt rét P.falciparum năm 2025 và loại trừ hoàn toàn bệnh sốt rét vào năm 2030. Hiện nay, Việt Nam đang tiến tới loại trừ bệnh sốt rét ở từng tỉnh theo lộ trình đã được Bộ Y tế phê duyệt. Do vậy, cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh của người dân.

Cùng với việc tăng cường giám sát, phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời cho bệnh nhân sốt rét; các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức về các biện pháp phòng, chống sốt rét, đặc biệt đối với các đối tượng thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy. Tổ chức điều tra ca bệnh đúng quy định, khoanh vùng các điểm có ký sinh trùng sốt rét để xử lý triệt để nguồn bệnh; cung ứng đủ thuốc sốt rét về số lượng và chủng loại, hóa chất xét nghiệm cho các cơ sở y tế..../.

PV