Bên cạnh kinh tế phải chú trọng văn hóa, xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội

01/12/2019 10:39 AM


Chiều 29/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 (dự thảo Nghị quyết 01). Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chú trọng văn hóa, xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; phải có giải pháp cụ thể chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bị thiên tai.

Tại cuộc họp, các đại biểu góp ý về một số nội dung chính của dự thảo Nghị quyết thường được ban hành ngay đầu năm. Theo tinh thần đổi mới của Thủ tướng, từ năm 2018 đến nay, Nghị quyết 01 ngày càng ngắn gọn, cô đọng, trọng tâm, trọng điểm hơn, trong đó có các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể giao cho các bộ, ngành. Nghị quyết 01/2018 có danh mục nhiệm vụ cụ thể gồm 242 nhiệm vụ, năm 2019 còn 186 nhiệm vụ.

Về nội dung Nghị quyết, Thủ tướng chỉ đạo phải tập trung vào các giải pháp trọng tâm, tạo điểm nhấn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Cần cụ thể hóa các mục tiêu thành hệ thống chỉ tiêu để Chính phủ giao và đôn đốc, kiểm tra. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao xác định rõ nội dung chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai Nghị quyết.

Nghị quyết cần chỉ ra những thách thức lớn, trong đó nhiều ngành, lĩnh vực rất khó khăn để lường trước và có giải pháp, như điện tử, ô tô, xe máy, nông sản xuất khẩu… dễ có nguy cơ dẫn đến đà tăng trưởng chậm.

Theo Thủ tướng, Nghị quyết phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát thực tiễn, bám sát và cụ thể hóa kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt, Nghị quyết phải có những giải pháp mới, tạo đột phá trong các ngành, lĩnh vực tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, hạn chế tối đa những nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương.

Các giải pháp chủ yếu cần tính đến tính đặc thù của năm 2020. Gợi ý một số giải pháp trọng tâm, Thủ tướng cho rằng, công tác xây dựng thể chế, pháp luật còn là một khâu vướng mắc và cần chỉ ra cụ thể nằm ở luật nào, nghị định, thông tư nào. Tinh thần là phân cấp mạnh mẽ, giao quyền chủ động cho ngành, địa phương tốt hơn nữa, nhất cho địa phương, hạn chế xin cho, đặc biệt là giải phóng được nguồn lực, giải phóng sức sản xuất. Nếu kìm hãm nguồn lực do ý chí chủ quan của mình thì đất nước không thể phát triển được.

Các giải pháp phải đảm bảo vừa giữ vững nền tảng ổn định vĩ mô, vừa tạo thêm dư địa chỉ đạo, điều hành để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng. Các chính sách cần đảm bảo lạm phát không quá 4%; thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn.

Không chỉ chú trọng kinh tế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chú trọng văn hóa, xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; phải có giải pháp cụ thể chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bị thiên tai. Kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, trong đó lập phương án tốt nhất về kế hoạch hành động triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 vừa được Quốc hội thông qua.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết với chất lượng cao, nêu bật được những vấn đề cần thiết của năm 2020, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ sắp tới./.

PV