Nâng cao chất lượng dân số, tạo nền tảng để phát triển

20/11/2019 03:36 PM


Tuổi thọ trung bình ở nước ta tăng nhanh; tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em và tử vong ở bà mẹ, trẻ em giảm mạnh… Tuy nhiên, mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và đã ở mức nghiêm trọng, chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số.

Đó là những thông tin được đưa ra tại Tọa đàm “Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới” vừa diễn ra tại Hà Nội. Tọa đàm nhằm đánh giá tầm quan trọng đặc biệt của việc nâng cao chất lượng dân số theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW, những thách thức đặt ra, đồng thời tìm giải pháp khả thi để nâng cao chất lượng dân số.

Phải coi nâng cao chất lượng dân số là vấn đề cấp bách. Ảnh minh hoạ, nguồn internet

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam đạt 96,2 triệu người, đứng vị trí thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Chất lượng dân số đã được cải thiện về nhiều mặt: Tuổi thọ người dân tiếp tục tăng (đạt trung bình khoảng 73,5 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người); tình trạng suy dinh dưỡng trẻ e và tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh… Tuy nhiên, hiện nay chất lượng dân số Việt Nam còn hạn chế: Chỉ số phát triển con người (HDI) thấp, chậm được cải thiện; số năm trung bình sống khỏe mạnh thấp, chỉ đạt 64 tuổi; tầm vóc, thể lực chậm được cải thiện, trong 30 năm chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng được 3 cm...

Thêm vào đó, tình trạng chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh ở nhiều vùng vẫn còn rất lớn. Nếu như năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh giảm còn 112 bé trai/100 bé gái, nhưng năm 2018, tỷ số này tăng cao lên gần 115 bé trai /100 bé gái. Việc bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10.000 người còn hạn chế, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi.

Phát biểu tại Toạ đàm, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ rõ, trong bối cảnh công tác dân số hiện nay, công tác tổ chức bộ máy làm dân số đang có vấn đề. Vì vậy, công tác thông tin truyền thông phải đẩy lên, bộ máy phải được củng cố, không thu hẹp. Bởi nếu không chăm lo công tác dân số, Việt Nam sẽ chịu đựng “gánh nặng” về cơ cấu, chất lượng dân số trong tương lai.

Khẳng định chất lượng dân số có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, ông Nguyễn Ngọc Phương -  Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần có chính sách duy trì mức sinh hợp lý để có cơ cấu dân số đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần xây dựng và mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe gia đình và phúc lợi xã hội; kiểm soát tỉ lệ giới tính khi sinh…

“Phải coi nâng cao chất lượng dân số như vấn đề hết sức bức bách. Rất mong các nhà dân số học, Tổng cục Dân số phải quay lại nghiên cứu, đưa Luật Dân số trình lên Quốc hội. Nếu làm được luật, xây dựng được cơ chế chính sách phát triển dân số, không phải tăng dân số, cho phép sinh quá giới hạn mà là tăng chất lượng dân số,” ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh./.

PV