Phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai

18/11/2019 04:26 PM


Sáng ngày 18/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Bổ sung các quy định nhằm tăng khả năng chủ động ứng phó thiên tai

Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Một số ĐBQH cho biết, tại các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Hà Tĩnh, thiệt hại do thiên tai gây ra có năm lớn gấp đôi GDP của tỉnh. Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế có uy tín, nước ta cũng đang là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng lớn do thiên tai và biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc sửa đổi này góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai; huy động nguồn lực đầu tư cho phòng, chống thiên tai và đê điều; nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động của thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống thiên tai ở nước ta và thực hiện tốt cam kết, thỏa thuận quốc tế.

Tán thành với những nội dung sửa đổi song đại biểu Lưu Văn Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, dự thảo Luật cần có thêm đánh giá để bổ sung các quy định nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về lực lượng xung kích ở địa phương để ứng phó với thiên tai, trách nhiệm của các cấp chính quyền (Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân) trong việc bảo đảm nguồn lực thực hiện phòng, chống thiên tai, giám sát.

Đặt kỳ vọng dự án luật lần này cần chú trọng đến các cơ chế phòng, chống thiên tai, đại biểu Đỗ Văn Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị, dự thảo luật nên có quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác điều tra, khảo sát, dự báo, cảnh báo. Chú trọng lực lượng tại chỗ, theo đó, lực lượng xung kích đầu tiên phải là cấp xã, cấp phường; lực lượng chủ chốt vẫn là quân đội và công an.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật thiếu các quy định về hướng dẫn nâng cao kĩ năng ứng phó phòng chống thiên tai dành cho người dân. Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về giáo dục, hướng dẫn kĩ năng ứng phó cho người dân để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Toàn cảnh phiên họp tổ 05, gồm đoàn ĐBQH các tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Tây Ninh và Tp. Đà Nẵng sáng 18/11. Ảnh nguồn quochoi.vn

Cân nhắc đối với quy định về Quỹ phòng chống thiên tai

Quỹ phòng chống thiên tai cũng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Lưu Văn Long chỉ rõ, đánh giá kết quả hoạt động của các Quỹ phòng chống thiên tai cấp tỉnh cho thấy có nhiều bất cập, chủ yếu sử dụng nguồn dự phòng ngân sách bố trí hàng năm. Nay dự thảo Luật bổ sung quy định về Quỹ phòng chống thiên tại ở trung ương thì việc sử dụng, điều tiết quỹ này như thế nào cần có thêm đánh giá tác động.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, nguồn lực dành cho công tác này còn bị phân tán, nằm rải rác ở nguồn vốn sự nghiệp, vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, dự phòng ngân sách trung ương, quỹ dự trữ quốc gia, quỹ phòng, chống...

Theo ông Sinh, năm nào thiên tai cũng xảy ra, sao không đặt vấn đề là nghĩa vụ chi của ngân sách thay vì phải dùng quỹ dự phòng. Nhà nước nên chủ động hơn bằng cách kết cấu trong ngân sách nhà nước một mục chi về phòng, chống thiên tai. Ngoài ra sẽ kêu gọi nguồn lực trong nước và quốc tế. “Chúng ta kêu gọi nhưng không được chồng chéo và phải có cơ quan quản lý, điều tiết nguồn lực, chứ không phải khi xảy ra thiên tai lại tính chuyện đầu tư khắc phục hậu quả thiên tai theo hình thức đầu tư công, mất đến một hoặc hai năm mới khắc phục được. Nghĩa là chúng ta muốn khắc phục ngay, có tiền rồi nhưng dự án vẫn treo” – Đại biểu Đỗ Văn Sinh bày tỏ.

Một số ĐBQH đề nghị, dự án luật có quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai ở trung ương thì Quỹ này phải có nguồn lực chính từ ngân sách nhà nước vì Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước dân để bảo đảm an toàn cho dân. Từ đó có kiến nghị xem xét bỏ quỹ Phòng, chống thiên tai để nhiệm vụ phòng chống thiên tai do ngân sách nhà nước thực hiện./.

PV