Công tác an sinh xã hội luôn được đặt lên trên hết

10/11/2019 08:21 PM


Ngày 08/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có phát biểu làm rõ hơn về một số vấn đề trọng tâm mà Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm và trả lời chất vấn các ĐBQH. Trong cả bài phát biểu và phần trả lời chất vấn của mình, Thủ tướng luôn khẳng định: công tác an sinh xã hội luôn được đặt lên trên hết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Quốc hội

Trong bài phát biểu trước Quốc hội, về các vấn đề xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống cho người có công, người nghèo, người khuyết tật, cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho các đối tượng chính sách, tạo cơ hội học hành, tiếp cận y tế cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nhất là ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Bãi ngang ven biển. Trong xây dựng nông thôn mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ, là kết quả trực tiếp từ Nghị quyết rất đúng đắn của Trung ương về Tam Nông. Nhưng chúng ta cũng cần nghiêm túc nhìn nhận sâu sắc, toàn diện cả kết quả tích cực có tính lịch sử và cả những hạn chế yếu kém, không được chủ quan, để triển khai tốt hơn nữa trong giai đoạn  sắp đến.

“Liệu có bền vững không, khi có xã đạt nông thôn mới nhưng chất lượng cuộc sống của người dân về văn hóa, về môi trường lại đi xuống? Chỉ có nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá toàn diện, chúng ta mới nhận biết hết được những hạn chế, yếu kém và mặt trái; từ đó nỗ lực và có giải pháp phù hợp để nâng cao thực chất hơn chất lượng cuộc sống của người dân nói chung và vùng nông thôn nói riêng” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Về các vấn đề xã hội bức xúc mà ĐBQH nêu như tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em; hành xử côn đồ; tai nạn giao thông, đuối nước, cháy nổ nghiêm trọng… Theo Thủ tướng, trình độ phát triển và tiến bộ của một dân tộc không chỉ đo bằng thành tích kinh tế (mặc dù điều này rất quan trọng), mà còn đo bằng môi trường sống và các giá trị văn hóa, văn minh. Kinh tế thị trường đem lại cho chúng ta điều kiện vật chất đầy đủ hơn, tiện nghi hơn nhưng cũng có mặt trái là dễ làm cho con người thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, dễ bỏ qua hoặc lãng quên các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống. Vì vậy, cần phải có chiến lược, biện pháp cụ thể để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống và trách nhiệm xã hội của  mỗi công dân.

Chính phủ khuyến khích các hoạt động văn hóa lành mạnh, loại bỏ các biểu hiện trái với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lợi ích chung của cộng đồng và xã hội; yêu cầu các cấp, các ngành, trước hết là các lực lượng chức năng tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm môi trường sống, an ninh, an toàn cho người dân. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tôn vinh gương người tốt, việc tốt; phê phán những hành vi vô trách nhiệm, thiếu văn hóa. Cần rà soát lại các quan hệ xã hội liên quan đến văn hóa, đạo đức truyền thống để bảo vệ nền tảng giá trị bằng pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; kiên quyết xử lý nghiêm khắc các vi phạm. Đặc biệt quan tâm tới công tác bảo vệ, chăm lo cho trẻ em, trẻ vị thành niên, không chấp nhận thực tế có những trẻ em bị bạo hành, bị lạm dụng sức lao động và bị xâm hại như những vụ việc đã nêu trên báo chí.

“Tôi đã trao đổi với đồng chí Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội về vấn đề này. Việt Nam có Luật trẻ em 2016, Thủ tướng sẽ sớm ban hành chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm lo cho trẻ em” – Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, cùng với gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, chúng ta cần tiếp tục học hỏi, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, hướng tới xây dựng một xã hội Việt Nam nhân ái, công bằng, dân chủ, văn minh.

Trả lời chất vấn của ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về quản lý nước sạch và cần ban hành Luật Quản lý nguồn nước, Thủ tướng cho biết đã yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Quản lý tài nguyên nước năm 2012. Trong đó, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước an toàn cho người dân, tránh tình trạng như vừa qua.

Về giải pháp phát triển nhanh, bền vững đất nước nhưng không để ai bị bỏ lại phía sau của ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá), Thủ tướng nhấn mạnh, việc tạo mọi điều kiện, cơ hội cho mọi người, nhất là người nông dân ở nông thôn, miền núi là một giải pháp rất quan trọng và căn cơ. Một số nước thành công trong phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển HTX để người dân có thu nhập. Còn tại Việt Nam, cùng với tạo điều kiện về nguồn lực tài chính cho các cá nhân và doanh nghiệp phát triển, những chủ trương tài chính vi mô hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, ưu tiên những vùng khó khăn thông qua Ngân hàng Chính sách. Đặc biệt, Ngân hàng đã có một số nguồn quỹ khác giúp người dân giảm chênh lệch mức sống. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, nhất là về giảm nghèo; đồng thời củng cố mạng lưới an sinh xã hội hiện đại, thu hẹp bất bình đẳng. “Việt Nam là nước đang phát triển gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉ lệ bao phủ BHYT rất cao và tỉ lệ bao phủ BHXH tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là cho người nghèo...”- Thủ tướng chia sẻ./.

PV