Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay

08/11/2019 08:20 PM


Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 08/11, tại Hội trường Diên Hồng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ báo cáo làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm và tiến hành chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ.

Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu chủ yếu

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những ngày qua, Chính phủ, từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương giải quyết, đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của đồng bào, cử tri cả nước; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp dự báo chúng ta đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Nhưng kết quả này sẽ cao hơn nữa nếu mỗi chúng ta cùng nêu gương, hành động quyết liệt hơn để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của nền kinh tế.

Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước và tăng cường huy động nguồn lực xã hội để giải quyết các vấn đề cấp bách

Làm rõ hơn về một số vấn đề trọng tâm mà Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, về giải ngân vốn đầu tư công: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhưng thực tế cho thấy vẫn cần tiếp tục đôn đốc giải quyết sát sao hơn, đồng thời cần sự chủ động, sáng tạo vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các cấp chính quyền, của từng cơ quan, đơn vị.

Các Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bám sát kế hoạch và tiến độ giải ngân của từng dự án thuộc thẩm quyền quản lý; khẩn trương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của ngành mình, địa phương mình;  không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới năng lực quản trị của DNNN, tăng nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong kế hoạch đã được duyệt. Tiếp tục tạo cơ hội cho khu vực tư nhân, các loại hình hợp tác xã tham gia quá trình tái cơ cấu DNNN.

Vấn đề cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu cần phải được triển khai, xử lý quyết liệt hơn, nhanh hơn và thực chất hơn. Sử dụng hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ. Điều hành tỷ giá linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường, hỗ trợ xuất khẩu và nâng đỡ sản xuất trong nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội

Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Về môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cải cách mạnh mẽ nền hành chính công vụ, khuyến khích đổi mới và sáng tạo trong mọi hoạt động của nền kinh tế. Tiếp tục nỗ lực nâng hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia thuộc nhóm ASEAN-4 trong 5 năm tới.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục rà soát, bãi bỏ và giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thông qua việc bổ sung, sửa đổi Luật Đầu tư; tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, bảo đảm những thay đổi này có tác động thiết thực đối với người dân và doanh nghiệp, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, hàng nhập lậu qua biên giới, hàng giả,… tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường còn phức tạp, đôi khi không rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn,… gây tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc và rủi ro cao cho các nhà đầu tư là những rào cản trực tiếp gây khó khăn cho việc mở rộng đầu tư, kinh doanh. Ngay sau kỳ họp này, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tập trung rà soát toàn diện để bãi bỏ các quy định bất hợp lý, sửa đổi các thủ tục hành chính trùng lặp, chồng chéo, không rõ ràng trong các quy định pháp luật thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng một Luật sửa nhiều luật trình Quốc hội nhằm khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành trước yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã báo cáo làm rõ vấn đề về công tác bảo vệ môi trường, các vấn đề xã hội, văn hóa, xây dựng nông thôn mới, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, vấn đề bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, năng lực bộ máy hành chính và chất lượng cán bộ, vấn đề quốc phòng, an ninh, đấu tranh chống tham nhũng và bảo đảm an ninh, trật tự.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong năm 2020, Việt Nam đồng thời thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch liên Nghị viện ASEAN (AIPA) và đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, để hoàn thành các trọng trách quốc tế lớn này, rất cần sự tham gia, hợp tác, cùng hành động của cả hệ thống chính trị và người dân, đặc biệt là của các vị đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay. Chúng ta phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó.

Tại phiên họp, các ĐBQH đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên quan đến: Đánh giá lại quy mô GDP; quản lý việc cung ứng nước sạch; giải pháp để phát triển thị trường khoa học, công nghệ; giải pháp tận dụng cơ hội để phát triển đất nước trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc; giải pháp đột phá để phát triển bền vững; triển khai Nghị quyết về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long; phát triển kinh tế tư nhân; giải pháp phát triển kinh tế đêm, thực hiện nội dung tăng trưởng bao trùm, giải pháp đầu tư trọng tâm trọng điểm nhưng không bỏ rơi khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.../.

PV