Đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành một Nghị quyết chung về công tác tư pháp

04/11/2019 04:10 PM


Sáng ngày 04/11, mở đầu tuần làm việc thứ 3 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe và thảo luận báo cáo năm 2019 về các lĩnh vực: Phòng, chống tội phạm, phòng chống tham nhũng (PCTN); công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và văn bản thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Toàn cảnh Phiên họp. Nguồn quochoi.vn

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2019 của Viện trưởng VKSNDTC.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2019 của Chánh án TANDTC.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2019.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2019.

Các báo cáo cho biết, thời gian qua các bộ ngành đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án dân sự… 

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp nhận thấy năm 2019, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Về công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2019, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu của Nghị quyết 63 của Quốc hội. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, việc phát hiện còn chậm, số lượng chưa tương xứng, chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm trên thực tế, kết quả xử lý chưa nghiêm, chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong quản lý nhà nước: Tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng “tham nhũng vặt” gây bức xúc trong Nhân dân và dư luận, tuy nhiên, việc phát hiện vẫn chưa được nhiều và còn giảm 4,18% so với cùng kỳ.

Đồng thời, dư luận cho rằng có nhiều tiêu cực trong lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng, cấp phép, thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực xây dựng nhưng chưa được phát hiện; Tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là xử lý rác thải, xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn và ô nhiễm nguồn nước đáng báo động nhưng công tác phòng ngừa, xử lý chưa đạt yêu cầu, việc xử lý hình sự còn rất thấp so với số vi phạm phát hiện được.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo một số nội dung. Nguồn quochoi.vn

Đối với việc công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với báo cáo của VKSNDTC về những kết quả tích cực của ngành Kiểm sát trong năm 2019. Tuy nhiên, vẫn còn 33 trường hợp Viện kiểm sát nhân dân phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, tạm giam sau đó phải trả tự do, không xử lý hình sự; 425 bị can không bị tạm giam, bỏ trốn phải ra lệnh truy nã. Chất lượng giải quyết một số vụ án chưa đáp ứng yêu cầu; số trường hợp bị oan tăng 58,3% so với năm 2018. Đáng lưu ý, năm 2019, cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra cả những vụ án không thuộc thẩm quyền được quy định tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nhưng vẫn được Viện kiểm sát nhân dân phê chuẩn, chấp nhận. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSNDTC có giải pháp để khắc phục thực trạng này.

Đối với báo cáo của Chánh án TANDTC về công tác của ngành Tòa án, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2019, Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới trong hoạt động xét xử và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong kỳ báo cáo, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, vẫn còn 107 trường hợp phải hủy án và 275 trường hợp phải sửa án do nguyên nhân chủ quan. Vẫn còn 81 trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định. Qua khảo sát, một số Tòa án nhân dân địa phương phản ánh, số lượng kháng nghị giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án của Tòa án nhân dân cấp huyện ít hơn nhiều so với trước đây khi thẩm quyền này thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Trong công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, TANDTC đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, qua đó nâng cao chất lượng công tác này. Kết quả, tỷ lệ giải quyết đạt 51%, tăng 13% so với năm 2018; đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 491 vụ, khắc phục những sai sót của Tòa án nhân dân cấp dưới và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu 60% theo yêu cầu của Quốc hội, vẫn còn một số trường hợp khiếu nại bức xúc, kéo dài do việc giải quyết đơn chưa kịp thời.

Đối với báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về những chuyển biến tích cực trong công tác Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, mặc dù số liệu tuyệt đối về kết quả thi hành xong và tiền đều tăng so với năm 2018 nhưng tỷ lệ thi hành xong về tiền đạt thấp so với tổng số án có điều kiện thi hành và giảm hơn so với năm 2018. Kết quả thi hành án nhằm thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng đạt tỷ lệ thấp và giảm cả về tỷ lệ và số tiền thu được so với cùng kỳ năm 2018. Số vụ việc cưỡng chế thi hành án chưa tương xứng với số án có điều kiện thi hành, dẫn đến số án tồn đọng rất lớn.

Trong công tác thi hành án hành chính, tỷ lệ thi hành án hành chính năm 2019 đạt thấp, số vụ án hành chính chưa thi hành xong tăng cao so với cùng kỳ năm 2018. Đến nay, cả nước còn 313 bản án mà Chủ tịch UBND, UBND là người phải thi hành nhưng chưa thi hành xong. Ủy ban Tư pháp cho rằng, đối tượng phải thi hành án hành chính chủ yếu là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính của Nhà nước, đây là đối tượng cần nghiêm túc, gương mẫu nhất trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một hạn chế lớn và đã tồn tại qua nhiều năm, thậm chí năm sau còn cao hơn so với năm trước, cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, từ năm 2012 đến nay, Quốc hội đã ban hành 10 Nghị quyết liên quan đến công tác tư pháp, trong đó đề ra nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể yêu cầu Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC thực hiện, tạo những chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn thi hành các nghị quyết cho thấy, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ không còn phù hợp với tình hình mới; bên cạnh đó việc có nhiều nghị quyết dẫn đến quy định có phần tản mạn, một số nội dung trùng lắp nên có khó khăn nhất định trong quá trình tổ chức thực hiện. Do đó, Ủy ban Tư pháp tán thành với đề xuất của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSNDTC, TANDTC, Thanh tra Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành một Nghị quyết chung về công tác tư pháp./.

PV