Một số chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2019

31/10/2019 10:52 AM


Tháng 11/2019, nhiều văn bản mới chính thức có hiệu lực, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, trong đó nổi bật:

1. Hôn người dưới 16 tuổi có thể bị coi là Dâm ô trẻ em

Từ ngày 5/11/2019, Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi có hiệu lực.

Nghị quyết này định nghĩa cụ thể về các hành vi dâm ô trẻ em. Theo đó, dâm ô là hành vi của người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận của người dưới 16 tuổi, có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục như: Hôn người dưới 16 tuổi…

Cũng theo Nghị quyết, khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội; Không đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa; Không buộc bị hại phải tham gia phiên tòa…

2. Phạt đến 20 triệu đồng hành vi đưa tin thất thiệt về giá cả

Theo Nghị định 84/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi bịa đặt, loan tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường.

Nếu hộ kinh doanh vi phạm, sẽ phạt tiền từ 1-5 triệu đồng; doanh nghiệp vi phạm bị phạt 5-10 triệu đồng.

Ngoài ra, cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức có liên quan có hành vi bịa đặt, loan tin, đưa thông tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử… gây hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Nghị định 84/2011/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/11/2019.

3. Hướng dẫn thay đổi thông tin về nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế điện tử

Đây là nội dung tại Thông tư 66/2019/TT-BTC sửa đổi Thông tư 110/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.

Theo đó, nếu thông tin về loại thuế, mẫu hồ sơ khai thuế, kỳ tính thuế, kỳ khai thuế, ngày bắt đầu, ngày kết thúc phải nộp hồ sơ khai thuế trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế không đúng hoặc có thay đổi thì:

Người nộp thuế sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử truy cập Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN và điều chỉnh thông tin.

Cơ quan thuế thực hiện cập nhật thông tin về nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế của người nộp thuế.

Đồng thời, cơ quan thuế gửi thông tin xác nhận cho người nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN trong 2 ngày làm việc kể từ ngày điều chỉnh thông tin (hiện hành quy định 5 ngày làm việc).

Thông tư 66/2019/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 5/11/2019.

4. Nâng mức vay tối thiểu cần tài sản bảo đảm để đi làm việc ở nước ngoài

Nghị định 74/2019/NĐ-CP sửa đổi quy định về điều kiện bảo đảm tiền vay tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP như sau:

Đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm. (Theo quy định hiện hành, vay từ 50 triệu đồng trở lên thì cần có tài sản bảo đảm).

Nghị định 74/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 8/11/2019./.

PV (t/h)