Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

30/10/2019 12:26 PM


Ngày 30/10, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội thảo luận toàn thể tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Toàn cảnh Phiên thảo luận. Ảnh quochoi.vn

Những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được là tích cực, toàn diện

Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại Quốc hội ngày 30/10, nhiều ý kiến ĐBQH đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; cho rằng những thành tựu kinh tế-xã hội đạt được trong năm 2019 là tích cực, toàn diện.

Các ĐBQH nhận định, năm 2019, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, từ diễn biến phức tạp, xung đột của khu vực và thế giới, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm, những tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh, nhưng với sự đóng góp của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, trong đó với sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kinh tế đất nước tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, là năm thứ hai có tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra. Kinh tế ở mức ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP ước đạt 6,8%, vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu đề ra. Năng lực cạnh tranh tăng 10 bậc.

ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng những kết quả đạt được rất đáng mừng, quan trọng, góp phần thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, tạo tiền đề vững mạnh cho kỳ phát triển mới.

Bày tỏ đồng tình và đánh giá cao với các nhận định, đánh giá được nêu trong Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc của Quốc hội, ĐB Hoàng Văn Trà (Phú Yên) nhấn mạnh, những kết quả ấn tượng, toàn diện về kinh tế-xã hội trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức đã tiếp tục khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, cũng là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo và ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh quochoi.vn

ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) nhận định, năm 2019 mặc dù vẫn còn nhiều những khó khăn, thách thức nhưng đây là một năm được đánh dấu bằng những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, với sự chuyển biến thực chất hơn trong việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, đặc biệt là sự chuyển biến về tình hình kinh tế - xã hội không chỉ dừng lại ở những con số tăng trưởng liên tục, mà quan trọng hơn là sự phát triển đồng đều, toàn diện của tất cả các ngành, các lĩnh vực trong cả nước.

“Đạt được những kết quả đó, cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm cao cùng với những đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo tính khoa học và cụ thể, tập trung tháo gỡ những khó khăn, từng bước đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước”, ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) bày tỏ.

Còn ĐB Nguyễn Thanh Xuân (TP. Cần Thơ) thì bày tỏ: “Tôi đánh giá cao sự cố gắng và năng động của Chính phủ trong điều hành, nhất là  hình ảnh của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ di chuyển vào, ra, tới, lui liên tục để tham dự và chỉ đạo nhiều hội nghị, nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương. Hình ảnh ấy là một trong những nguyên nhân đã tác động rất lớn vào 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt”.

Ngoài ra, nhiều ý kiến ĐB cho rằng, trong khi nền kinh tế thế giới tụt giảm thì kinh tế-xã hội Việt Nam tiếp tục có bước phát triển và có mức tăng trưởng khá, trong thành tựu chung này, có sự đóng góp quan trọng của Chính phủ trong năm bứt phá (năm 2019) phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Những thành quả đạt được đã khẳng định rõ xu hướng phục hồi của nền kinh tế, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Đây cũng là yếu tố tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.

ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh quochoi.vn

Vẫn còn những khó khăn, thách thức

Phát biểu tại Hội trường, ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nhận định, về kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn, nền sản xuất nông nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai như dịch tả lợn Châu phi; thiên tai lũ lụt, sạt lở bờ sông; giá nông sản còn thấp; nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm vẫn còn tiếp diễn. Do đó, rất mong Chính phủ có chỉ đạo để khắc phục vấn đề này, đảm bảo phát triển sản xuất nông nghiệp. Về tình hình xã hội, các vụ khiếu nại, tố cáo vẫn còn cao, tính chất phức tạp. Vấn đề này cần được xem xét trách nhiệm từ hai phía, phía các cơ quan công quyền và phía nhận thức từ người dân. Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá rõ tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp hữu hiệu.

Cũng tham gia phát biểu tại Hội trường, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chỉ ra rằng, thời gian qua kinh tế đất nước phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa “hóa rồng, hóa hổ”. Theo ĐB, với 30 năm, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, chưa ổn định nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn.  ĐB cho rằng, nếu không khắc phục được bất cập mà Chính phủ đã chỉ rõ trong báo cáo kết quả phát triển kinh tế thì Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình; do đó cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Ngoài ra, tại Phiên thảo luận, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) và một số ĐB cũng quan tâm và đề nghị Chính phủ có kế hoạch nâng nâng cao năng suất lao động bằng việc đào tạo chất lượng nguồn lao động và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nâng cao tỷ lệ qua đào tạo, nhằm tăng năng suất lao động./.

Thanh Quý