Cần đánh giá tác động nhiều nội dung của Dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

30/10/2019 02:34 PM


Chiều 29/10, tại Tổ số 07 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Tp.Cần Thơ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bố cụ nội dung của dự thảo Luật, song cũng cần có rà soát đánh giá tác động kỹ các vấn đề.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Ngô Sách Thực - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm luật hóa các quy định về cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã được thí điểm trong thời gian qua, cũng như thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sự thuận lợi, thông thoáng về thủ tục góp phần cải thiện môi trường đầu tư.

Đại biểu Ngô Sách Thực cho rằng các nội dung của dự thảo Luật thể hiện rõ tinh thần đơn giản hóa thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề kiểm soát người nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam chưa được làm rõ trong các quy định như nâng thời hạn tối đa của thẻ tạm trú cho nhà đầu tư nước ngoài lên đến 10 năm.

Băn khoăn trước tình hình người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam nổi lên thời gian qua, đại biểu Ngô Sách Thực đặt câu hỏi phải chăng do thủ tục nhập cảnh, quản lý cư trú còn kẽ hở. Đại biểu nhấn mạnh việc sửa đổi Luật vừa phải tạo điều kiện thuận lợi nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự, việc tuân thủ pháp luật Việt Nam của người nước ngoài cũng như vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Đại biểu cho rằng với về nâng thời hạn tối đa của thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài, quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển…cần có đánh giá và phải gắn với sự kiểm soát chặt chẽ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương - Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ thì cho rằng quy định về thị thực ĐT4 cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị dưới ba tỷ đồng cần tính toán giá trị vốn góp tối thiểu để tránh tình trạng nhà đầu tư chỉ góp rất ít nhưng lại được cấp thị thực với thời gian tương đối dài. Cùng với đó, quy định thẻ tạm trú có ký hiệu ĐT1 có thời hạn không quá 10 năm cũng cần phải được tính toán thời hạn cho hợp lý bởi thời gian 10 năm là khoảng thời gian dài.

Theo dự kiến chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật này vào sáng ngày 14/11 tới./.

PV (Theo quochoi.vn)