Tăng trao đổi, chia sẻ và đãi ngộ tốt để giữ chân người lao động

04/10/2019 04:49 PM


Hiện nay, tỉ lệ nghỉ việc trong các ngành nghề tại Việt Nam đang gia tăng liên tục và dự đoán cuối năm 2019 sẽ lên mức 24%. Đây là mức cao nhất trong vòng 4 năm qua.

Ngày 03/10, tại TP.Hồ Chí Minh, công ty Nghiên cứu thị trường lao động Anphabe đã tổ chức hội nghị Nguồn nhân lực hạnh phúc năm 2019, thu hút 600 CEO và giám đốc nhân sự ở các doanh nghiệp trong cả nước tham gia. Hội nghị nhằm tìm ra những giải pháp giữ chân nhân tài và hướng đến tăng trưởng năng suất lao động bền vững trong các ngành nghề.

Gia tăng tỉ lệ lao động nghỉ việc trong các ngành nghề tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ, nguồn internet

Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành và truyền cảm hứng Hạnh phúc của Anphabe cho biết, qua khảo sát tại các công ty, doanh nghiệp trên cả nước ghi nhận tỷ lệ nghỉ việc đang gia tăng liên tục trong vòng ba năm qua và dự đoán sẽ cán mốc đáng báo động 24% trong năm nay. Đây là mức cao nhất trong vòng 4 năm qua. Trong đó, nhóm lao động ở cấp bậc nhân viên và nhóm lương dưới 10 triệu có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất, lên đến 29%.

Kết quả khảo sát nêu ra bốn xu hướng khiến tình trạng nghỉ việc, chảy máu chất xám tại các doanh nghiệp gồm: Lao động có nhiều lựa chọn nghề nghiệp mới, bao gồm cả công việc trái ngành; số lượng doanh nghiệp mới đăng ký đang tăng nhanh chóng (chỉ riêng 06 tháng đầu năm 2019, cả nước có hơn 80 nghìn doanh nghiệp mới); nhu cầu khởi nghiệp và tình hình di dân tăng cao (Việt Nam thuộc tốp 10 nước di dân nhiều ở châu Á - Thái Bình Dương).

Bàn giải pháp giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, đại diện các doanh nghiệp tuyển dụng cho rằng, hầu hết người lao động đều muốn biết công sức mình đóng góp và chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp. Vì thế, ngoài thực hiện chế độ đãi ngộ tốt, lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp phải thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ định hướng của doanh nghiệp cũng như thông tin những khó khăn, thách thức đang gặp phải để người lao động hiểu và chia sẻ. Đây là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động lâu dài./.

PV