Hướng đến việc thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới trong Luật Ngân sách nhà nước

18/09/2019 07:57 AM


Sáng 17/9, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ thông tin về ngân sách có trách nhiệm giới, hướng đến việc thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới trong Luật Ngân sách nhà nước. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nguyệt chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh quochoi.vn

Tham dự Hội thảo có đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân một số tỉnh/ thành phố; Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; đại diện một số bộ, ngành liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về lĩnh vực giới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt cho biết, Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, và có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017. Đây là khung pháp lý quan trọng về quản lý ngân sách nhà nước. Với quan điểm việc lồng ghép bình đẳng giới vào quá trình xây dựng dự án Luật này sẽ là tiền đề quan trọng để đạt tới mục tiêu bình đẳng trong tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực của đất nước, trong Luật đã có quy định nguyên tắc bảo đảm ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và căn cứ lập dự toán ngân sách nhà nước hang năm về bình đẳng giới. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nguyệt hi vọng hội thảo sẽ có nhiều ý kiến góp ý gợi mở về những giải pháp khả thi hơn để đạt tới mục tiêu bình đẳng trong tiếp cận, kiểm soát, thụ hưởng các nguồn lực của đất nước nói chung và ngân sách nhà nước nói riêng.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Elisa Fernandez - đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) cho biết, ngân sách có trách nhiệm giới là một trong những mục tiêu và chỉ tiêu quan trọng của Mục tiêu phát triển bền vững số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của Chương trình nghị sự 2030. Các kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới được xem là giải pháp toàn diện và bền vững để giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới. Hiện UN Women đã hỗ trợ kỹ thuật cho hơn 80 quốc gia trên thế giới về ngân sách có trách nhiệm giới.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra rằng việc lập ngân sách có trách nhiệm giới nhằm thay đổi cơ cấu phân bổ ngân sách và chính sách để nguồn lực xã hội được sử dụng theo hướng thúc đẩy bình đẳng giới; xem xét tác động kinh tế và xã hội của ngân sách đối với phụ nữ và nam giới để điều chỉnh việc phân bổ một cách phù hợp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nguyệt phát biểu tại hội thảo. Ảnh quochoi.vn

Một số đại biểu cho rằng việc thúc đẩy ngân sách có trách nhiệm giới vẫn còn những thách thức, cụ thể: Định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã tồn tại lâu đời trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt tại các vùng, các dân tộc theo chế độ phụ hệ tư tưởng này càng nặng nề; Lãnh đạo, chính quyền địa phương, cán bộ lập kế hoạch nhiều tỉnh vùng dân tộc thiểu số chưa quan tâm đến công tác bình đẳng giới; Chưa hiểu về ngân sách có trách nhiệm giới, đặc biệt quy định bình đẳng giới trong Luật ngân sách; Không có hướng dẫn để thực hiện quy định về bình đẳng giới trong Luật ngân sách; Kinh phí bố trí cho hoạt động bình đẳng giới rất hạn hẹp, đặc biệt kinh phí cho lồng ghép giới

Ở các địa phương cũng tồn tại một số thách thức như: Không có số liệu thông tin tách biệt giới sẵn có; Trung ương không yêu cầu tách biệt giới trong quá trình xây dựng kế hoạch; phụ thuộc vào nhận thức và năng lực của cán bộ địa phương; Nhận thức và năng lực lập kế hoạch tổ chức thực hiện của cán bộ xã trong thúc đẩy ngân sách có trách nhiệm giới còn hạn chế.

Kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nguyệt trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu tham dự. Phó Chủ nhiệm Ủy ban khẳng định các ý kiến thảo luận sẽ là những thông tin quý báu từ kinh nghiệm của các nước và thực tiễn ở trong nước để Việt Nam tiếp tục có những tiến bộ đáng kể trong bình đẳng giới, bao gồm cải thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ./

Văn Đông