Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

06/09/2019 02:23 PM


Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành Kết luận số 54-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Kết luận nêu rõ, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết đạt nhiều kết quả quan trọng, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện toàn diện đời sống của nông dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là trong giai đoạn nước ta chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu; củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ khắp cả nước với sự hưởng ứng tham gia tích cực của nhân dân; có nhiều mô hình mới, cách làm hay. Tuy nhiên, nông nghiệp phát triển chưa bền vững, năng suất lao động còn thấp; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn hạn chế. Một số địa phương còn chạy theo thành tích, chủ yếu tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập của người dân, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn cao… 

Xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp:

Rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các quy định pháp luật liên quan; thể chế hóa các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai nêu tại Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI và Kết luận số 36-KL/TW, ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị. Đẩy mạnh chủ trương tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, trước hết là cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, thuế, tín dụng, điện năng, môi trường, thị trường, lao động, đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ. Đa dạng nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước, viễn thông, công trình phục vụ phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, hệ thống hạ tầng thương mại ở nông thôn. Bảo đảm các điều kiện nhằm kịp thời phòng, khống chế và dập tắt dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; tăng cường kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thường xuyên cập nhật, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới, kịp thời nhân rộng các cách làm hay, hiệu quả và chấn chỉnh, rút kinh nghiệm những biểu hiện lệch lạc. Thực hiện xây dựng nông thôn mới toàn diện, đi vào chiều sâu, cải thiện trực tiếp điều kiện sống, thay đổi tư duy, nếp sống của người dân nông thôn; hoàn thành và nâng cao chất lượng các mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nông thôn, phù hợp với yêu cầu và điều kiện của giai đoạn mới.

Đánh giá hiệu quả các chương trình hỗ trợ người dân nông thôn, người nghèo, các đối tượng chính sách, đặc biệt là ở các vùng khó khăn để có các giải pháp phù hợp theo hướng tập trung, tránh dàn trải, giảm đầu mối, đủ nguồn lực, hiệu quả, bền vững.

Cụ thể hóa kịch bản tác động của biến đổi khí hậu tới các vùng, địa phương, lựa chọn giải pháp ưu tiên để tập trung triển khai thực hiện, lồng ghép với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, sinh thái nông thôn.

Về tổ chức thực hiện, cấp ủy đảng, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết và Kết luận đề ra; trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, xây dựng định hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để phục vụ việc xây dựng báo cáo chính trị trình đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2021-2025. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch, tăng cường vận động nhân dân giám sát việc thực hiện. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết và Kết luận này./.

PV