Tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

26/08/2019 04:34 PM


Theo số liệu tổng hợp của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến hết tháng 07/2019, có 91.200 người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong đó chỉ có 81.900 người thuộc diện được cấp giấy phép hoạt động.

Tỷ lệ lao đồng nước ngoài làm vi tại Việt Nam ngày càng tăng cao.

Ông Phùng Quốc Vương, Trưởng phòng quản lý lao động, Cục Việc làm cho biết, quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ cho phép lao động nước ngoài vào làm việc theo 4 vị trí là chuyên gia, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật và nhà quản lý, nhưng với điều kiện lao động Việt Nam không đáp ứng được.

Theo ông Vương, qua đánh giá trong số các vị trí công việc mà người nước ngoài được đảm nhiệm tại Việt Nam, hiện đang tăng dần tỷ lệ nhà quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia, trong khi tỷ lệ lao động kỹ thuật có xu hướng giảm đi.

Việt Nam hiện đang là điểm đến lý tưởng của nhiều doanh nghiệp FDI, bởi nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Với những thực tế như trên, ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm cho rằng điều này sẽ đặt ra những thách thức đối với việc quản lý nhóm lao động này cũng như bảo hộ việc làm cho lao động trong nước.

Để tăng cường công tác quản lý, theo ông Trung, chính cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải kiểm soát rất chặt việc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, đồng thời tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như ý thức chấp hành của doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam. 

"Quy định của pháp luật rất rõ ràng nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc mới bắt đầu cấp giấy phép lao động. Với những trường hợp vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định như xử phạt hành chính thậm chí là trục xuất về nước", ông Trung nhấn mạnh.

Với lao động trong nước, ông Trung cho rằng, trong bối cảnh dịch chuyển lao động và cạnh tranh như hiện nay, thời gian tới cần tiếp tục đào tạo bồi dưỡng để người lao động nâng cao trình độ, tay nghề. Song trên hết, chính người lao động phải vươn lên để thay thế bằng được các vị trí làm việc của người nước ngoài. Lúc đó, tiền lương của lao động Việt Nam cũng sẽ được nâng lên, tất nhiên vẫn phải thỏa thuận theo cơ chế thị trường./.

Quyết Thắng