Công bố kết quả chính thức tổng điều tra kinh tế năm 2017

20/09/2018 01:03 PM


Sáng 19-9, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức cuộc họp báo Công bố kết quả chính thức tổng điều tra kinh tế năm 2017. Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương chủ trì buổi Họp báo.

Quang cảnh buổi họp báo.

Tăng về số đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tôn giáo

Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, kết quả cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2017 phác họa đầy đủ sự biến động, phân bố các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, số lượng lao động, cơ cấu ngành, vùng của nền kinh tế, đóng góp của từng ngành kinh tế cho sự phát triển của cả nước, từng địa phương qua 5 năm. Từ đó, làm cơ sở cho các ngành, các cấp rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin...
Tính đến thời điểm 01/7/2017 cả nước có hơn 5,86 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp (KTHCSN), tăng 13,7% tương đương 0,7 triệu đơn vị và thu hút 26,9 triệu lao động, tăng 18,6% tương đương 4,2 triệu lao động so với năm 2012. Bình quân mỗi năm tăng 2,6% về đơn vị, 3,5% về lao động. Tăng thấp hơn giai đoạn 2007 – 2012 tương ứng 5% và 6,7%.

Số lượng đơn vị và lao động trong khu vực kinh tế tăng nhanh hơn khu vực hành chính, sự nghiệp thể hiện xu hướng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2017, số đơn vị kinh tế tăng 13,9%, lao động tăng 19,9% so với năm 2012; bình quân mỗi năm số đơn vị kinh tế tăng 2,6%, lao động tăng 3,7%. Số đơn vị hành chính sự nghiệp năm 2017 tăng 2,3% và lao động tăng 11,3% so với năm 2012; bình quân mỗi năm tăng 0,4% về số đơn vị và 2,2% về lao động, trong đó các đơn vị hành chính tăng không đáng kể, chủ yếu là các đơn vị sự nghiệp (mức tăng tương ứng là 2,4% và 14,7%, bình quân năm tăng tương ứng là 0,5% và 2,8%).

Doanh nghiệp có tốc độ tăng cao nhất cả về số lượng đơn vị và lao động, với gần 517,9 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 176,3 nghìn doanh nghiệp - tăng 51,6% so với năm 2012. Khối doanh nghiệp thu hút hơn 14 triệu lao động, tăng 28,2% (tương đương 3,1 triệu người) so với năm 2012.

Đơn vị kinh tế tập thể (Hợp tác xã) hiện có 13,6 nghìn, giảm 0,1% về số lượng và giảm 15,6% về lao động so với năm 2012. Số lượng các hợp tác xã thuộc ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm chủ yếu với 51,1%, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 19,5%, dịch vụ chiếm 29,4%.

Cơ sở SXKD cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản (sau đây viết gọn là cơ sở SXKD cá thể) có 5,1 triệu cơ sở với 8,7 triệu lao động, tăng 11,2% về số lượng cơ sở và 9,5% về lao động so với năm 2012. Bình quân mỗi năm tăng tương ứng 2,1% và 1,8%, thấp hơn so với giai đoạn 2007 - 2012 (4,3% và 3,8%).

Đơn vị hành chính, sự nghiệp phát triển theo hướng tăng nhanh khu vực sự nghiệp. So với năm 2012, số đơn vị hành chính, sự nghiệp tăng 2,3% và lao động tăng 11,3%. Trong khi, các đơn vị hành chính tăng nhẹ với 0,1% về số lượng và 5,8% về lao động thì các đơn vị sự nghiệp tăng khá hơn với mức tăng 2,4% về số đơn vị và 14,7% về lao động.

Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tiếp tục phát triển theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách tôn giáo trong những năm qua. Tại thời điểm 01/7/2017 cả nước có 42,7 nghìn cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, tăng 19,5%, với 140,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành và người trông coi làm việc thường xuyên tại các cơ sở này, tăng 7,9% so với năm 2012.

Theo vùng kinh tế, vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn là nơi tập trung đông nhất số đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp với trên 1,5 triệu đơn vị và thu hút 8,04 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 26,4% về số đơn vị và 29,9% về lao động. Tiếp theo vùng Đông Nam Bộ chiếm tỷ trọng 19,4% về số đơn vị và 27,9% về lao động. Vùng Đông Nam Bộ có quy mô lớn nhất cả nước về số doanh nghiệp với 216,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 41,7% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, thu hút 5,3 triệu lao động, chiếm 37,7%.

Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển nhanh, tính đến 01/7/2017, số lượng các đơn vị hoạt động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất tới 81,1% và cao hơn mức 78,7% của năm 2012.

Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm công bố kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017.

Độ tuổi và trình độ chuyên môn được đào tạo của lao động được nâng lên

Trình độ lao động hiện đang làm việc trong các đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp và tôn giáo tại thời điểm 01/7/2017 đã có sự thay đổi tích cực. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo giảm từ 34,7% năm 2012 giảm xuống còn 29,7% của năm 2017, tỷ lệ lao động được đào tạo từ sơ cấp trở lên đều tăng hơn so với năm 2012. Trong đó, tỷ lệ lao động có trình độ đại học tăng từ 17,9% năm 2012 lên 18,4% năm 2017; tương tự tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng tăng từ 4,9% lên 6,7%; tỷ lệ lao động có trình độ trung cấp tăng từ 9,7% lên 10,7% và tỷ lệ lao động có trình độ sơ cấp tăng từ 6,8% lên 8,8%.

Khu vực hành chính, sự nghiệp: tỷ lệ lao động có trình độ đại học là 49,7%, trên đại học 7,2%, cao hơn so với năm 2012 (năm 2012 trình độ đại học chiếm 43,1%, trên đại học 4,9%).

Đối với khu vực doanh nghiệp, các ngành có lao động ở trình độ đại học và trên đại học chiếm trên 50% gồm: hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin truyền thông, giáo dục và đào tạo, hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ… Điều này phản ánh thực tế về nhu cầu lao động có trình độ cao ở các ngành này.

Trong các cơ sở SXKD cá thể, tỷ lệ lao động chưa được đào tạo còn khá cao chiếm 59,9% tổng số lao động của khu vực này và tỷ lệ này cũng đã giảm hơn so với các kỳ tổng điều tra trước đây (năm 2012 chiếm 67,2%, năm 2007 chiếm 85%).

Theo nhóm tuổi, lực lượng lao động từ 31 đến 45 tuổi chiếm tỷ trọng cao nhất với 42,7%, nhóm từ 30 tuổi trở xuống chiếm 35,2%. Trong khu vực doanh nghiệp, lao động chiếm tỷ trọng lớn nhất ở nhóm từ 16 đến 30 tuổi với 47,7%, đơn vị hành chính, sự nghiệp nhóm lao động có độ tuổi 31 đến 45 tuổi chiếm tỷ trọng cao nhất với 49,8%. Lao động của khu vực hợp tác xã và cá thể tập trung chủ yếu ở nhóm từ 31 đến 45 tuổi. Số lao động có độ tuổi trên 60 chiếm 2,8%, tăng hơn so với mức 0,5% của kỳ tổng điều tra 2012, chủ yếu làm việc ở các cơ sở tôn giáo và một số ở các cơ sở SXKD cá thể và hợp tác xã.

Tính đến thời điểm 01/7/2017 số lượng đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp có sử dụng máy tính tăng từ 9,9% năm 2012 lên 15,6% năm 2017, số cơ sở có kết nối internet tăng từ 8,7% lên 41,4%, số đơn vị có website tăng từ 1,1% lên 2,7%.

Số doanh nghiệp có kết nối internet tăng lên đáng kể, tăng 5,1% điểm phần trăm so với 2012, với 86,2% doanh nghiệp có máy tính và 85,1% doanh nghiệp có kết nối internet trong tổng số DN (so với 87% và 80% năm 2012),

So với năm 2012, số lượng đơn vị hành chính, sự nghiệp có sử dụng máy tính tăng từ 89% lên 98%, sử dụng internet đạt 95%. Tuy nhiên, mục đích sử dụng internet còn khá đơn giản, chủ yếu để gửi và nhận thư điện tử (98%), tìm kiếm thông tin (94%), học tập nghiên cứu (85%). Trong khi tỷ lệ cơ sở sử dụng máy tính và internet để điều hành tác nghiệp chỉ đạt 36%, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 12,6% (các cơ quan Trung ương chiếm 87% số lượng các đơn vị này, cơ quan địa phương 13%). Xét theo mức độ cung cấp hoàn chỉnh dịch vụ công trực tuyến qua internet, chỉ có 1,2% tổng số cơ sở ở mức độ 4, trong đó số cơ quan Trung ương đạt mức độ 4 chiếm 12,8% tổng số cơ quan Trung ương.

Xã hội hoá mạnh ở lĩnh vực giáo dục và y tế

Theo điều tra của Tổng Cục thống kê, tại thời điểm 1/7/2017 có 46 nghìn cơ sở giáo dục khối hành chính sự nghiệp, tăng 2,9% so với năm 2012; Có 1,8 triệu lao động, tăng 12,3% so với năm 2012. Cơ sở giáo dục và đào tạo là đơn vị sự nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất với 62,5% cơ sở và thu hút gần 70% lao động khu vực sự nghiệp.

Ông Nguyễn Bích Lâm đưa ra những con số đáng chú ý: Những năm gần đây các doanh nghiệp cũng đầu tư mạnh vào hoạt động giáo dục và đào tạo với 5,1 nghìn cơ sở, tăng 81%. Chưa kể khu vực cá thể, tổng số cơ sở giáo dục thuộc khối doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp là 51,1 nghìn và thu hút 1,86 triệu lao động, tăng tương ứng là 7,6% và 14% so với năm 2012.

Cũng diễn ra mạnh về chủ trương xã hội hoá, ông Nguyễn Bích Lâm nêu: Tại thời điểm 1/7/2017, y tế khối HCSN có gần 13,7 nghìn cơ sở, không tăng so với năm 2012. Lao động có 420,3 nghìn người, tăng 19,5% so với năm 2012. Tuy số cơ sở y tế không tăng, nhưng đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế của các cơ sở công lập tăng 19,3% so với năm 2012 đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp đã đầu tư khá nhiều vào hoạt động y tế với tổng số 1.523 cơ sở khám chữa bệnh, chẩn đoán và dịch vụ y tế khác, tăng 74% so với năm 2012. Chưa kể các cơ sở cá thể hoạt động khám chữa bệnh có quy mô nhỏ, tổng số cơ sở khám chữa bệnh thuộc đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp là 15,2 nghìn cơ sở, tăng 3,6%, trong đó có 1.131 bệnh viện, tăng 6%.

Sơn Thái