Sáng kiến Quốc gia thông minh của Singapore: Vì dân và sẵn sàng cho tương lai

07/09/2018 02:45 PM


Được Thủ tướng Lý Hiển Long công bố vào năm 2014, sáng kiến Quốc gia thông minh nhằm đưa Singapore trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới vào năm 2020, thông qua khai thác tối đa sức mạnh công nghệ, Singapore hướng đến hai mục tiêu chính: Phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống cho người dân.

Tầm nhìn chính sách

Trên cơ sở một nền kinh tế dựa trên nền tảng tri thức và ngày càng được số hóa, chính quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long đưa ra sáng kiến Quốc gia thông minh với tham vọng đưa Singapore trở thành nền kinh tế hàng đầu được hỗ trợ bởi cải tiến kỹ thuật số với Chính phủ có khả năng phụng sự người dân tốt nhất, đáp ứng những yêu cầu của thời đại và tương lai. Đây là tầm nhìn chính sách dài hạn nhằm dẫn dắt quá trình chuyển đổi của đảo quốc sư tử, thông qua đổi mới công nghệ kỹ thuật số.

Nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế dựa trên sức mạnh kỹ thuật số, Chính phủ Singapore đã triển khai nhiều biện pháp trong khuôn khổ sáng kiến Quốc gia thông minh để kiến tạo môi trường và văn hóa “quen” với đổi mới và thử nghiệm. Singapore đã không ngừng đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới công nghệ, làm chất xúc tác cho những đột phá mới về kinh tế và thúc đẩy những khu vực tăng trưởng kinh tế mới. Chính phủ hỗ trợ kiến tạo “hệ sinh thái khởi nghiệp”, bằng cách kết nối các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ với các cố vấn ngành công nghiệp, làm cầu nối giữa ý tưởng đổi mới và doanh nghiệp. Trong năm tài chính 2017, Chính phủ Singapore đã dành 2,4 tỷ USD để hợp tác với khu vực tư và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.

Sáng kiến Quốc gia thông minh còn tập trung giải quyết những vấn đề đô thị mà Singapore đang phải đối mặt như giao thông, nhà ở, già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe và môi trường. Bộ trưởng phụ trách sáng kiến Quốc gia thông minh Vivian Balakrishnan hy vọng, với nhiều nền tảng kỹ thuật số mà Chính phủ đang triển khai, quốc gia thông minh sẽ cho phép người dân tiếp cận và sử dụng thông tin dễ dàng. Từ đó, người dân tự tìm ra giải pháp cho những vấn đề gặp phải, thay vì chờ Chính phủ giải quyết.

Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, tầm nhìn của Chính phủ Singapore là biến đảo quốc trở thành nơi đáng sống nhất đối với người dân; nơi công nghệ cho phép người dân có cuộc sống ý nghĩa và trọn vẹn, tạo nhiều cơ hội tuyệt vời cho tất cả mọi người.

 
 

5 trụ cột

Dưới sự điều phối của Văn phòng Chính phủ số và quốc gia thông minh (SNDGO), trực thuộc Văn phòng Thủ tướng, sáng kiến Quốc gia thông minh, được triển khai dựa trên một loạt dự án trụ cột và các công cụ chính sách khác.

5 dự án được coi là “đầu tàu” trong sáng kiến Quốc gia thông minh là: Hệ thống nhận diện số hóa quốc gia, nhằm cho phép người dân và doanh nghiệp thực hiện giao dịch qua nền tảng kỹ thuật số một cách thuận tiện và an toàn; Hệ thống thanh toán điện tử (e-Payments), nhằm cho phép mọi người thực hiện thanh toán đơn giản, nhanh chóng, liền mạch và an toàn; Mạng lưới cảm biến Quốc gia thông minh, nhằm triển khai các thiết bị cảm biến và các thiết bị kết nối IoT, cho phép Singapore trở thành thành phố đáng sống và an toàn hơn; Mạng lưới giao thông đô thị thông minh, nhằm tận dụng dữ liệu và các công nghệ kỹ thuật số, bao gồm các thiết bị tự điều khiển và trí tuệ nhân tạo, nhằm cải thiện chất lượng giao thông công cộng; Ứng dụng Moments of Life trên các thiết bị điện tử cá nhân, nhằm tập hợp tất cả các dịch vụ an sinh xã hội giữa nhiều cơ quan khác nhau, để phục vụ người dân trong mọi giai đoạn cuộc đời.

Nhiều khu vực thí điểm được triển khai trên khắp Singapore. Trong đó, quận Jurong Lake, rộng 360ha ở phía Tây đảo quốc là khu vực thí điểm chính cho những dự án và công nghệ lớn trong khuôn khổ sáng kiến Quốc gia thông minh. Chính phủ đã lắp đặt thử nghiệm hơn 1.000 thiết bị cảm biến và kết nối các thiết bị thông minh tại đây, cho phép người dân theo dõi, quản lý và điều khiển mọi thứ từ xa, từ phương tiện giao thông đến thùng rác; đồng thời, giúp kết nối mọi người ở mọi nơi, mọi lúc. Từ một khu vực buồn tẻ, Jurrong Lake đang trở thành quận kinh doanh trung tâm (CBD) thứ hai của đảo quốc.

Singapore đã triển khai Nền tảng quốc gia thông minh (SNP), nhằm theo dõi và phân tích các dữ liệu về nhà ở, giao thông và những tiện ích khác. Dự án này được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn một triển khai thử nghiệm mạng lưới kết nối thiết bị cảm biến có dây và không dây tại những khu vực giao thông trọng điểm như quận Civic, đường Orchard, sông Singapore, các khu Tiểu Ấn và Geylang. Giai đoạn này đã hoàn thành vào cuối năm 2015. Trong giai đoạn hai, mạng lưới kết nối thiết bị cảm ứng được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Trong suốt quá trình này, nhà nước sẽ tích cực tham vấn và hợp tác với khu vực tư nhân.

Tháng 6 vừa qua, Singapore đã công bố kế hoạch chi tiết nhằm nâng cao mức độ sẵn sàng về công nghệ số (Digital Readiness Blueprint), trong đó, đưa ra những khuyến nghị giúp người dân tận dụng tối ưu lợi ích của công nghệ. Chính phủ Singapore đã triển khai cơ sở dữ liệu mở, được các cơ quan Chính phủ thu thập, nhằm cho phép người dân tiếp cận thông tin và đánh giá dữ liệu, từ đó tham gia đề xuất những giải pháp tập trung vào người dân.

Với những nỗ lực hiện thực hóa sáng kiến Quốc gia thông minh, trong hai năm 2016 và 2017, Singapore đã liên tiếp được vinh danh đứng đầu bảng xếp hạng các thành phố thông minh toàn cầu, do Trung tâm nghiên cứu Juniper và Công ty công nghệ Intel (Mỹ) bình chọn. Bảng xếp hạng được đánh giá dựa trên mức độ tích hợp các công nghệ Internet of Things (IoT) và dịch vụ kết nối của các thành phố trên thế giới trong 4 khu vực chính: Giao thông, y tế, an toàn công cộng và nâng cao năng suất./.

Theo ĐBND