Nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình

08/09/2018 07:21 PM


Ngày 07/9/2018 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình dựa trên mô hình 26 trạm y tế điểm các tỉnh phía Bắc. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì Hội nghị.

PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, y tế cơ sở được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế; đồng thời là tuyến đầu, “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ ban đầu, trực tiếp gần dân nhất. Y tế cơ sở là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Chính vì thế việc triển khai trạm y tế (TYT) xã phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, mô hình TYT theo nguyên lý y học gia đình được chú trọng phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới và được người dân rất tin tưởng lựa chọn.

Theo thống kê của Bộ Y tế có đến 35,4% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện.41,5% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở TYT xã. Hiện nay cả nước có 669 BV/Trung tâm Y tế huyện với 78.481 giường; 354 phòng khám đa khoa khu vực với 4.437 giường; 4 nhà hộ sinh với 85 giường, 11.083 TYT xã với 49.544 giường; 100% số xã có TYT, khoảng 60% đã đạt Tiêu chí Quốc gia về y tế xã; khoảng 87,5% TYT xã có bác sĩ làm việc; 96% có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 95% thôn bản tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động. Ngoài ra còn có hàng chục nghìn phòng khám tư nhân, 240 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân...

Tuy nhiên, y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, chất lượng hiệu quả hoạt động chưa cao. Chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nhiều người dân chưa quan tâm đến dự phòng, nâng cao sức khỏe, chỉ đến khi có bệnh mới chịu đi chữa. Bên cạnh đó, phần lớn các TYT chưa quản lý bệnh mạn tính, quản lý sức khỏe một số đối tượng ưu tiên. Số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít.

Để triển khai đổi mới hoạt động của TYT xã, Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng để triển khai mô hình điểm. Qua khảo sát, Bộ Y tế cho biết, mặc dù đã lựa chọn các TYT có nhà cửa tương đối nhưng việc bố trí các phòng, công năng sử dụng chưa phù hợp, hầu hết các trạm này phải được cải tạo, nâng cấp cho khang trang sạch sẽ, bổ sung trang thiết bị cho đồng bộ. Tuy nhiên, chỉ có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Yên Bái là có đầy đủ bác sĩ tại các TYT. Hiện còn 8/26 TYT chưa có bác sĩ làm việc tại TYT; 9/26 chưa có y sĩ YHCT, 7/26 chưa có dược sĩ; cơ cấu chưa phù hợp, có vị trí thừa, có vị trí thiếu. Các danh mục kỹ thuật thực hiện trung bình chỉ thực hiện được 68,3% trong tổng số 76 dịch vụ trong gói dịch vụ y tế cơ bản; TYT cao nhất là 89,5%; thấp nhất chỉ có 19,7%...

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, 26 TYT điểm sẽ được trang bị đồng bộ từ giường tủ, tủ quầy thuốc, biển tên phòng, tên TYT, đến bố trí trang bị máy siêu âm, xét nghiệm, X-quang... Với các TYT chưa có bác sĩ thì sẽ cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm... Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho viên chức tại trạm... Bộ Y tế cũng cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trung ương, BV tuyến cuối của TP.Hà Nội, TP.HCM về hỗ trợ các TYT xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giai đoạn 2018-2020 cho 4 tỉnh phía Bắc gồm huyện Bát Xát, Lào Cai; huyện Trấn Yên, Yên Bái; huyện Ba Vì, Đan Phượng, Quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hà Nội và huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh...

Các đại biểu tham gia hội nghị

Bộ Y tế cũng đề nghị BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh thành phố tính toán, giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các TYT xã thí điểm; đảm bảo đủ thuốc theo phân tuyến, thuốc đã quy định trong gói dịch vụ y tế cơ bản...

Dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành mô hình điểm 26 TYT điểm. Các tỉnh sẽ xây dựng lộ trình triển khai, phấn đấu trong 5 năm  (2019-2023) xong hết cả đầu tư, nhân lực và hoạt động của TYT xã theo nguyên lý y học gia đình.

Cũng tại Hội nghị, các BV trung ương, BV tuyến cuối với Sở Y tế và các Trung tâm Y tế quận huyện có xã điểm; Trung tâm Y tế dự phòng/CDC tỉnh thành phố với các Trung tâm Y tế quận huyện có xã điểm khu vực phía Bắc đã ký cam kết tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở.

AT