Lào với hệ thống an sinh xã hội cho người lao động

28/08/2018 02:45 PM


Hệ thống an sinh xã hội cho người lao động tại Lào nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động và lợi ích hợp pháp của họ với mục tiêu cải thiện điều kiện sống và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tổ chức An sinh xã hội Lào (SSO)

Lào là một quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không giáp với biển với diện tích là236.800 km2. Địa thể đất Lào có nhiều núi non bao phủ bởi rừng xanh; đỉnh cao nhất là Phou Bia cao 2.817 m. Diện tích còn lại là bình nguyên và cao nguyên. Sông Mê Kông chảy dọc gần hết biên giới phía tây, giáp giới với Thái Lan, trong khi đó dãy Trường Sơn chạy dọc theo biên giới phía đông giáp với Việt Nam. Dân số là 7,1 triệu người (theo WB tháng 10/2017) với mật độ trung bình khoảng 22 người/km2, tỉ lệ tăng dân số trung bình là 2%, tuổi thọ trung bình hiện nay vào khoảng 61 tuổi. Kinh tế Lào phụ thuộc nhiều vào đầu tư và thương mại với các nước láng giềng. Nông nghiệp tự cấp vẫn chiếm đến một nửa GDP và tạo 80% số việc làm. Chỉ có 4,01% diện tích lãnh thổ là đất canh tác, và chỉ 0,34% diện tích lãnh thổ được sử dụng làm đất trồng trọt lâu dài. Lúa chi phối nông nghiệp Lào do khoảng 80% diện tích đất canh tác dành cho trồng lúa. Khoảng 77% nông hộ Lào tự cung cấp gạo. Từ năm 1990 đến năm 2005 nhờ cải tiến về giống và cải cách kinh tế, Lào lần đầu đạt được cân bằng ròng về xuất nhập khẩu gạo vào năm 1999. Nền kinh tế Lào nhận được viện trợ phát triển từ IMF, ADB, và các nguồn quốc tế khác, cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài về phát triển xã hội, công nghiệp thuỷ điện và khai mỏ. Hiện nay, nền kinh tế Lào đang tăng trưởng nhanh và ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho đổi mới trên các lĩnh vực. Vị thế của Lào ngày càng được nâng cao, nhất là sau khi gia nhập ASEAN (1997) và WTO năm 2013. Cùng với đó, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào chú trọng ưu tiên xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi để giải phóng sức sản xuất, đẩy lùi lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Ngày 1/6/2001, Tổ chức An sinh xã hội Lào (SSO) do Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào quản lý, được thành lập theo Nghị định về An sinh xã hội ngày 23/12/1999. Mục đích của Nghị định về Hệ thống an sinh xã hội cho người lao động trong các doanh nghiệp là xác lập các nguyên tắc, quy định, tổ chức, quy trình và biện pháp nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động và lợi ích hợp pháp của họ với mục tiêu cải thiện điều kiện sống và đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Nhiệm vụ của SSO là thu thập và ghi lại các đóng góp của người lao động và chủ sử dụng lao động; cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, các chế độ ngắn hạn, chế độ tai nạn lao động và các chế độ dài hạn cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, liên doanh trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực khác.

Nghị định về An sinh xã hội áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp tuyển dụng từ 10 lao động trở lên và chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp tuyển dụng dưới 10 lao động khi những lao động này thuộc chi nhánh của một doanh nghiệp lớn hơn. Khi các doanh nghiệp tuyển dụng từ 10 lao động trước đây đã tham gia bảo hiểm, sau đó số lương lao động giảm thì những doanh nghiệp đó vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định.

Cụ thể, đến năm 1999, mạng lưới an sinh xã hội ở Lào mới được quy định cụ thể và cung cấp BHXH cho các đối tượng nhất định. Hệ thống này bao phủ tới các DN tư nhân và DN Nhà nước có từ 10 nhân viên trở lên và người về hưu. Công chức, cảnh sát và lực lượng vũ trang được bao phủ bởi một hệ thống đặc biệt. Còn BH tự nguyện có sẵn cho công nhân ở các DN nhỏ hơn.

Trên cơ sở đó, Quỹ an sinh xã hội Lào được đóng góp bởi cả người NLĐ và người sử dụng lao động. Thu nhập hàng tháng tối thiểu được sử dụng để tính các khoản đóng góp là 348.000 kip (khoảng 40 USD), con số thu nhập hàng tháng tối đa được sử dụng để tính khoản đóng góp là 1.500.000 kip (khoảng 185 USD). NLĐ sẽ được nhận trợ cấp hưu bổng khi đến tuổi 60 hoặc cũng có thể được hoãn lại cho đến 65 tuổi. Trong trường hợp hưởng lương hưu sớm, NLĐ sẽ bị giảm 0,5% lương hưu cho mỗi tháng nghỉ sớm. Nếu kéo dài thời gian làm việc, lương hưu sẽ được tăng 0,5% cho mỗi tháng làm việc. Quyền lợi hưởng được điều chỉnh ít nhất mỗi năm một lần theo những thay đổi trong thu nhập trung bình của tất cả những người được bảo hiểm… Cho đến cuối tháng 12/2016, mức lương cơ bản tối đa mà NLĐ được hưởng lên đến 2.000.000 kip (khoảng 245 USD) cho mỗi tháng. Kể từ ngày 1/1/2017, số tiền này đã được nâng lên 4.500.000 kip (khoảng 550 USD) mỗi tháng.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa BHXH Việt Nam và Hệ thống an sinh xã hội Lào

Cùng là thành viên của ASSA, BHXH Việt Nam và Hệ thống an sinh xã hội tại Lào có mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ.  Ngày 27/12/2015, tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào trong khuôn khổ các họat động của Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào lần thứ 38, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh với Thứ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Khamkeo Samboukhounxai đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về xây dựng năng lực cán bộ thực hiện chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2016- 2020. Biên bản ghi nhớ được ký kết tạo cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy, phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội giữa hai nước; xây dựng cơ chế phối hợp, hợp tác giữa BHXH Việt Nam và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào trong việc xây dựng năng lực cán bộ thực hiện chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2016-2020.

Biên bản ghi nhớ với 8 Điều khoản xác lập cơ chế phối hợp giữa hai bên trong việc nâng cao năng lực cán bộ xây dựng văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ thực hiện chế độ BHXH, BHYT; nâng cao năng lực cán bộ trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT và cung cấp dịch vụ công; nâng cao năng lực cán bộ trong đề xuất, tham mưu xây dựng chính sách BHXH, BHYT; chia sẻ các kinh nghiệm tốt trong xây dựng và thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Các hình thức hợp tác đưa ra trong Biên bản ghi nhớ bao gồm các hoạt động kỹ thuật và nghiên cứu chung; tổ chức tọa đàm, hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo ngắn hạn, trao đổi chuyên gia tham vấn, tổ chức đoàn học tập nghiên cứu khảo sát; trao đổi thông tin và kinh nghiệm thực hiện chính sách BHXH, BHYT giữa các bên; tài trợ học bổng cho cán bộ Cơ quan Quỹ an sinh xã hội quốc gia Lào học tại Việt Nam.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, BHXH Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị với đối tác Lào trong lĩnh vực an sinh xã hội, hàng năm, BHXH Việt Nam và Cơ quan an sinh xã hội quốc gia Lào có nhiều hoạt động trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực BHXH, BHYT và An sinh xã hội. Trong giai đoạn mới, với việc ký kết Biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực an sinh xã hội, hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác trên một số lĩnh vực đào tạo cán bộ, trao đổi kinh nghiệm hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào cho biết, số người tham gia BHXH, BHYT tại Lào còn thấp, việc thực thi chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa nghiêm nên Lào chú trọng đến việc cải cách hệ thống pháp lý về BHXH, BHYT nói riêng và an sinh xã hội nói chung. Bộ trưởng Khampheng Saysompheng cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác quý báu của BHXH Việt Nam trong lĩnh vực an sinh xã hội, nhất là lĩnh vực thu, CNTT, truyền thông. Đồng thời, mong muốn 2 nước tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu, trao đổi nghiệp vụ thông qua các cuộc hội thảo, hội đàm, đào tạo bồi dưỡng, nhằm góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt đẹp giữa Việt Nam và Lào./.

Theo Tạp chí BHXH