Khi Công đoàn điều hành qua... Facebook

28/08/2018 09:48 AM


Facebook không chỉ đơn thuần là mạng xã hội, là nơi để bày tỏ ý kiến. Facebook với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thừa Thiên - Huế còn là một công cụ điều hành công việc hằng ngày hiệu quả bởi sự tương tác, nhanh và tiết kiệm cả thời gian lẫn tiền bạc.

Cảm ơn Facebook của Công đoàn

Lê Thị Thu Dịu là đoàn viên công đoàn (CĐ), đang công tác tại Trường Cao đẳng Y tế Huế. Cũng như phần lớn người Việt khác, chị Dịu có tài khoản Facebook. Hôm nọ, chị lang thang trên mạng thì bắt gặp trang Facebook CĐ Huế. Sẵn có việc liên quan đến quyền lợi khi thôi việc của một em trai đồng nghiệp - đã kéo dài hơn một năm với bao nhiêu thủ tục giấy tờ nhưng vẫn không được giải quyết. Chị Dịu nhắn tin trình bày với trang Facebook CĐ Huế và được phản hồi ngay. Thường vụ LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo Ban Chính sách pháp luật hướng dẫn chi tiết, cụ thể các bước làm việc qua Facebook. Sau một thời gian, em trai của bạn chị Dịu đã làm việc với công ty cũ và được bồi thường 9 triệu đồng do chấm dứt hợp đồng trái luật.

Bà Ngô Thu Hương - Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên-Huế, người điều hành Facebook Công đoàn Huế.

Một số tiền nhỏ thôi nhưng niềm vui thì quá lớn không chỉ với NLĐ mà còn với cả tổ chức CĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế. "Lời cảm ơn chân thành từ NLĐ là món quà quý giá, động viên và buộc cán bộ CĐ chúng tôi ngày càng đổi mới hơn nữa để gần, thiết thực hơn với cuộc sống NLĐ ", bà Ngô Thu Hương - Trưởng ban Tuyên giáo, LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế, người tạo và điều hành Facebook CĐ Huế nói.

Theo bà Hương, trước nay, LĐLĐ tỉnh thường đăng thông tin trên website của CĐ tỉnh và gửi văn bản giấy cho các CĐ cơ sở. Tuy nhiên, hiệu quả không cao vì ít người truy cập. Gần đây, nhận thấy Facebook là một kênh trao đổi thông tin hiệu quả, có thể dùng để điều hành công việc cũng như phổ biến thông tin, kiến thức… cho NLĐ, bà Hương quyết định thành lập trang CĐ Huế và bạn bè thời gian đầu chỉ giới hạn trong hệ thống CĐ tỉnh. "Ban đầu, nhiều người lo ngại vì xuất hiện các comment trái chiều dưới mỗi bài viết. Bản thân tôi cũng lo nên lâu lâu lại mở Facebook để xem có ai nói chi không thuận tai là xóa" - bà Hương kể.

Tuy nhiên thành công nối tiếp thành công. Ví như mới đây, khi các tỉnh phía Nam xảy ra việc công nhân (CN) ngừng việc tập thể để phản ứng dự Luật Đặc khu, Facebook CĐ Huế đã đăng tải thư kêu gọi của Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Thư này nhận được phản hồi tích cực với hàng trăm lượt chia sẻ, phần lớn là cán bộ CĐ các cấp và CN tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Hay mới đây, một số công nhân phản ánh chất lượng bữa ăn ca tại Khu công nghiệp An Hòa (Tp.Huế) không đảm bảo trên Facebook. Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế lập tức chỉ đạo LĐLĐ Tp.Huế kiểm tra đột xuất ngay ngày hôm sau để góp ý với chủ DN về chất lượng bữa ăn, trong đó quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Và mọi việc được phía DN giải quyết nhanh chóng ngay sau đó. Gần nữa, một CN của Công ty Đinh Hương nhắn tin hỏi về quy trình để thành lập CĐ cơ sở để tham mưu, kiến nghị cho lãnh đạo, vì thấy rằng NLĐ không có tổ chức CĐ bên cạnh thì thiệt thòi đủ đường.

Phản bác thông tin xuyên tạc, sai trái

Ban đầu là e dè, nhưng theo thời gian, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế thấy cách đưa thông tin về cơ sở cũng như tương tác với NLĐ qua Facebook có hiệu quả nên quyết định xây dựng quy chế quản lý cũng như biên tập trên Facebook CĐ Huế.

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá cao và khẳng định tầm quan trọng trong việc tuyên truyền qua Facebook: "Đây là một cách để đổi mới nội dung hình thức tuyên truyền, nhằm thực hiện mục tiêu "Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn" đến đoàn viên, NLĐ. Đẩy mạnh việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đoàn viên CĐ và NLĐ. Và hơn hết là loại bỏ những thông tin xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động qua hệ thống Facebook, định hướng thông tin tuyên truyền và dư luận xã hội trong cán bộ đoàn viên và NLĐ ".

Đến thời điểm này thì Facebook CĐ Huế có hàng ngàn tài khoản kết bạn và theo dõi. Mức độ lan tỏa của Facebook này giờ không chỉ dừng lại ở phạm vi cán bộ CĐ các cấp mà ngay cả đoàn viên CĐ tại cơ sở cũng chờ "hóng" thông tin. Qua Facebook CĐ Huế, NLĐ biết lịch tiếp đoàn viên hằng tháng của Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, các Phó Chủ tịch, các uỷ viên Ban Thường vụ. Các đoàn viên nắm được quy trình xét "Mái ấm CĐ", quy trình xét Quỹ Vì tuổi thơ, quy trình vay vốn từ Quỹ công nhân lao động nghèo, quy trình xét thi đua khen thưởng đến những hoạt động như lịch thi đấu cầu lông, bóng bàn. Những điều mà trước đây họ rất khó khăn và mất nhiều thời gian để tiếp cận.

"Việc đưa thông tin lên Facebook không những có hiệu quả hơn so với đưa thông tin lên website của LĐLĐ mà còn tiết kiệm cả thời gian lẫn tiền bạc. Nếu như trước đây phải tốn giấy mực soạn thư mời, soạn thông báo và đi gửi thì giờ chỉ tốn một ít phí 3G là thông tin đến được với NLĐ, công nhân rồi" - bà Hương khoe. "Trong thời đại mà ai cũng có smartphone thì việc tạo ra một diễn đàn cho công nhân, NLĐ để họ trực tiếp trao đổi với tổ chức CĐ là một yếu tố tích cực và chúng tôi đang đi đúng hướng". Cũng theo bà Hương, có rất nhiều trường hợp nhờ qua Facebook mà LĐLĐ kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để kịp thời có hướng xử lý. "Qua điện thoại thì điều được điều mất, mà gửi đơn phản ánh thì lâu. Thế nên có điều gì bí mật, NLĐ đều nhắn tin riêng với tôi để phản ánh trực tiếp. Có những lúc nửa đêm cũng có người phản ánh, rứa là sáng mai LĐLĐ phải cắt cử người về để nắm tình hình" - bà Hương nói.

Gần đây, thi thoảng, người quản lý của trang CĐ Huế còn đăng tải những câu chuyện vui về đời sống công nhân cho mọi người đọc với mục đích giải trí. Bà Hương bảo: "Lên trang mà thấy toàn công văn, thư mời hay luật này, luật nọ cũng khiến NLĐ nhàm chán". Tiếp nối sự thành công của trang CĐ Huế, hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có một số trang Facebook của LĐLĐ các huyện, thị xã và thành phố. Những trang này được lập ra với mục đích, yêu cầu như trong kế hoạch mà LĐLĐ tỉnh đưa ra, đó là "đăng tải thông tin, tiếp nhận ý kiến và phản ánh của NLĐ do mình quản lý trên địa bàn để có hướng xử lý"./.

Theo Lao động