ASSA- Liên kết và đồng hành

27/08/2018 03:56 PM


Trong 20 năm qua, sự hợp tác giữa các tổ chức thành viên của Hiệp hội An sinh xã hội Đông Nam Á (ASSA) cũng như giữa ASSA với các tổ chức quốc tế khác đã đem lại nhiều kết quả tích cực; giúp cho các tổ chức an sinh xã hội thành viên hoàn thiện thể chế và cơ chế chính sách…

Ngay từ những ngày đầu thành lập, ASSA đã nhận được sự quan tâm và giúp đỡ nhiệt tình từ các tổ chức quốc tế như: Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các tổ chức an sinh xã hội của một số quốc gia như: Australia, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Trước hết, phải kể đến ISSA- tổ chức an sinh xã hội quốc tế với sự tham gia của nhiều cơ quan Chính phủ và các cơ quan, tổ chức an sinh xã hội. ISSA được thành lập năm 1927 với mục tiêu thúc đẩy an sinh xã hội năng động trong một thế giới toàn cầu hóa, thông qua việc hỗ trợ tích cực cho các tổ chức thành viên trên toàn thế giới.

ISSA tham dự cuộc họp ASSA lần thứ 4 tại Manila, Philippines với tư cách quan sát viên từ năm 1999. Trong suốt thời gian qua, ISSA đã trở thành một đối tác có tầm ảnh hưởng quan trọng và có vị thế lớn tại các kỳ hội nghị của ASSA và các diễn đàn hợp tác quốc tế. Trong các phiên họp, diễn đàn của ASSA, các chuyên gia của ISSA thường xuyên chia sẻ về các chủ đề chính được các đại biểu quan tâm, như: Sự phát triển và các xu hướng an sinh xã hội; hỗ trợ một hệ thống an sinh xã hội năng động; ứng dụng CNTT trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội… Đặc biệt, hỗ trợ hóa giải các thách thức về đầu tư của các quỹ bảo hiểm… Hiện nay, ISSA còn thường xuyên xây dựng các diễn đàn quy mô toàn cầu nhằm trao đổi thông tin vể những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.

Ngoài ISSA, ILO cũng giúp các quốc gia, tổ chức an sinh xã hội trên thế giới thiết lập các tiêu chuẩn về lao động, xây dựng các chính sách và đưa ra các chương trình thúc đẩy công việc tốt cho tất cả phụ nữ và nam giới. Theo đại diện ILO, Châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, nơi có hơn một tỉ NLĐ bị coi là lao động dễ bị tổn thương, cụ thể là nông dân nông thôn, người tự làm chủ và những người làm việc trong các DN nhỏ với tình trạng không ổn định hợp đồng thời hạn, công việc bán thời gian nên thiếu sự bảo vệ cần thiết.

Do đó, ILO đã đưa ra chiến dịch toàn cầu nhằm mở rộng phạm vi BHXH. Tại Hội nghị khu vực Châu Á lần thứ 14 của ILO năm 2006, ILO đã tập trung mục tiêu mở rộng hiệu quả và phạm vi bảo trợ xã hội cho tất cả, bao gồm cả lao động trong nền kinh tế phi chính thức. Bên cạnh đó, ILO cũng liên tục ủng hộ và khuyến khích mở rộng cơ chế hợp tác về an sinh xã hội thông qua nghiên cứu, chia sẻ kiến thức, dịch vụ kỹ thuật, phát triển các công cụ thích hợp và các hoạt động xây dựng năng lực khác tại các nước thành viên của ASSA. Công việc của ILO trong lĩnh vực này chú trọng đặc biệt vào các dịch vụ kỹ thuật, sản phẩm tri thức và tư vấn chính sách nhằm hỗ trợ mở rộng bảo vệ xã hội.

Ngoài sự hỗ trợ và liên kết từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức thành viên của ASSA còn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình từ các tổ chức an sinh xã hội của các nước như Australia, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản… Thông qua hoạt động hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, các tổ chức thành viên ASSA đã từng bước nâng cao được năng lực chuyên môn, đáp ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ cung cấp dịch vụ an sinh xã hội cho người dân của nước mình.

Hội nghị ASSA 35 được tổ chức tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa) vào cuối tháng 9 này sẽ có sự tham dự của một số tổ chức quốc tế như: ISSA, WB, ILO, WHO... Tại đây, các thành viên ASSA sẽ có cơ hội tiếp cận với những kinh nghiệm, bài học cùng những đề xuất quý báu từ các chuyên gia quốc tế để từ đó có thể vận dụng tại nước mình được hiệu quả.

Theo Báo BHXH