Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn: Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hướng tới BHYT toàn dân
30/06/2017 06:09 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2017 là năm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực được 02 năm với nhiều quy định đi sâu vào cuộc sống. Nhân kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 1/7, Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn xung quanh nội dung này.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn.
PV: BHXH Việt Nam với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT, xin Phó Tổng Giám đốc cho biết đánh giá của mình về việc thực hiện chính sách này?
Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn:
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhằm huy động nguồn lực tài chính của xã hội, cùng với Nhà nước chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, chính sách BHYT ở nước ta đã ra đời từ năm 1992, đến nay đã hơn 20 năm.
Qua thực tiễn hoạt động, chính sách, pháp luật BHYT ngày càng hoàn thiện, con đường tiến tới thực hiện BHYT toàn dân được chỉ rõ tại các văn kiện của Đảng, quy định trong Luật BHYT và đang dần trở thành hiện thực.
Với nhiều lần sửa đổi, bổ sung, chính sách BHYT phát triển mạnh mẽ, chế độ ngày càng hoàn thiện; đúng đắn, vai trò của BHYT từng bước khẳng định trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Có thể nói, chủ trương, chính sách, pháp luật BHYT đến nay đã được hoàn thiện, vấn đề còn lại là việc tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả nhất, để mọi người dân sớm được hưởng quyền an sinh về BHYT.
Thực tế cho thấy, sau năm năm thực hiện Luật BHYT, 02 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đã có sự tăng trưởng khá nhanh, từ 60% (tương ứng với 52,4 triệu người) vào năm 2010 đã tăng lên 71,6% (tương ứng với 64,7 triệu người) năm 2014 và trên 76,5% vào cuối năm 2015, đặc biệt là tỷ lệ bao phủ đạt 81,8% vào cuối năm 2016. Đáng chú ý là có sự dịch chuyển ở các nhóm đối tượng. Đối tượng được ngân sách nhà nước đóng có xu hướng giảm trong khi đối tượng cá nhân tự đóng tăng. Điều này thể hiện nhận thức của người dân về sự cần thiết của BHYT đang có sự chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ BHYT giữa các vùng, miền còn có sự chênh lệch. Các tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT cao có số đối tượng được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là chủ yếu.
Là cơ quan được Chính phủ giao tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia với các bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật; phối hợp chặt chẽ với Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố tích cực triển khai đưa Luật BHYT đi vào cuộc sống; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Luật. Công tác tổ chức thực hiện Luật đã nhận được sự vào cuộc khá tích cực từ chính quyền địa phương, với sự tham mưu của BHXH các tỉnh, thành phố và Sở Y tế các địa phương. Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Luật BHYT sửa đổi. Để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT, BHXH các tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ thường trực, thông báo đường dây nóng, bố trí giám định viên thường trực 100% tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên để hướng dẫn, giải thích và giải quyết những vướng mắc phát sinh cho người bệnh BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh và các tổ chức, cá nhân giao dịch về BHYT.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bấm nút khai trương Cổng dữ liệu Y tế và Hệ thống thông tin giám định BHYT.
PV: Bước sang năm 2017, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã thực hiện được hai năm và một số quy định của Luật thực sự đi vào cuộc sống. Phó Tổng Giám đốc có thể cho biết tác động của những quy định mới này trong thực hiện chính sách BHYT.
Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ với chủ trương xây dựng Chính phủ hành động; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác an sinh xã hội và sự nỗ lực của công chức, viên chức toàn ngành, BHXH Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong năm 2016.
Từ năm 2016, công tác thực hiện chính sách BHYT được triển khai thực hiện với nhiều quy định mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung như: thực hiện KCB thông tuyến huyện với tất cả các đối tượng tham gia BHYT; thực hiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc theo quy định của Thông tư liên tịch số 37/2015/TT-BYT-BTC của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính, song hành triển khai Thông tư số 37/2015/TT-BYT-BTC, đồng bộ danh mục kỹ thuật theo Thông tư 43/2013/TT-BYT, Thông tư 50/2014/TT-BYTcủa Bộ Y tế; triển khai trên toàn quốc Hệ thống thông tin giám định BHYT phục vụ công tác giám định, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; mở rộng diện bao phủ, phát triển đối tượng tham gia BHYT theo chỉ tiêu tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020.
Qua 2 năm tổ chức thực hiện chính sách BHYT toàn ngành đã thu được những kết quả khả quan và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Song trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.
Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hạng bệnh viện thống nhất trên toàn quốc được thực hiện từ 01/3/2016. Đến ngày 21/4/2017, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc điều chỉnh theo lộ trình quy định tại Thông tư số 37/2015/TT-BYT-BTC. Việc tăng giá DVYT đã tác động rất tích cực đối với người KCB BHYT. Giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ cao ngay trên địa bàn và được BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.
Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, từ ngày 1/6/2017 các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT, và một số dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Với việc kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí 3 yếu tố trực tiếp, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng 2-3 lần giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100% cũng có tác động không nhỏ tới việc thực hiện chính sách BHYT.
Chính sách thông tuyến KCB đã tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho người bệnh BHYT khi không cần giấy chuyển tuyến vẫn được KCB và đảm bảo quyền lợi tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện. Người bệnh được lựa chọn khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến huyện. Nhất là đối với các trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được KCB và bảo đảm quyền lợi BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện trên phạm vi cả nước mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác. Thông tuyến tạo sự cạnh tranh công bằng, buộc các cơ sở y tế phải đổi mới phong cách phục vụ, đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực nâng cao chất lượng, qua đó góp phần thúc đẩy người dân tham gia BHYT, góp phần vào việc số người tham gia BHYT hộ gia đình năm 2016 tăng 37,4% so với năm 2015. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là cơ sở tư nhân (tặng quà, khuyến mại người đến khám, chữa bệnh BHYT, tạo nhu cầu ảo, chỉ định tăng số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, nhất là dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn, thuốc đắt tiền…) làm tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Xuất hiện tình trạng người đi khám, chữa bệnh nhiều lần trong ngày, tháng.
Hội nghị trực tuyến triển khai Hệ thống thông tin giám định BHYT.
PV: Để hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam có những giải pháp gì để đạt được những mục tiêu này, thưa Phó Tổng Giám đốc?
Để thực hiện BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam đang quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
BHXH Việt Nam đề nghị Chính phủ giao cho BHXH Việt Nam chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách và đề xuất các giải pháp phù hợp với thực tiễn, với điều kiện kinh tế xã hội từng giai đoạn; Bộ Y tế tập trung, tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ y tế, cải cách thủ tục khám, chữa bệnh, tinh thần thái độ phục vụ để nâng cao tính hấp dẫn đối với người bệnh BHYT;…; các tỉnh, thành phố tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ xã tới huyện, tỉnh, đưa nội dung phát triển đối tượng tham gia BHYT là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội hằng năm, 5 năm của địa phương. Chỉ đạo các Sở, ban ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và giải pháp triển khai thực hiện để đạt chỉ tiêu được giao. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân thuộc hộ cận nghèo; hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên thuộc các gia đình đông con khó khăn về kinh tế và hộ gia đình khác.
Với vai trò cơ quan tổ chức thực hiện, cơ quan BHXH sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; công tác kiểm tra tình hình thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, tập trung vào các DN ngoài quốc doanh; tiếp tục cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký tham gia BHYT, khám chữa bệnh và thanh toán BHYT theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, hành vi trục lợi trong thực hiện chính sách BHYT;...
BHXH Việt Nam và Hiệp hội bệnh viện tư nhân ký Quy chế phối hợp trong thực hiện chính sách BHYT.
PV: Được biết ngày 01/7 hàng năm là Ngày BHYT Việt Nam. Xin ông cho biết, một số hoạt động nổi bật của Ngành hưởng ứng ngày BHYT Việt Nam năm nay?
Với mục đích đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT; về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân tích cực và chủ động tham gia BHYT; Các hoạt động tuyên truyền nhân ngày BHYT Việt Nam năm nay được tiến hành rộng rãi, đồng bộ ở các cấp, các ngành, các địa phương. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, thiết thực. Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu, tạo thuận lợi cho các nhóm đối tượng được tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách, pháp luật BHYT; Đảm bảo mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng các nội dung cơ bản của chính sách, pháp luật BHYT và tạo diễn đàn để chủ sử dụng lao động, người lao động, người dân và cộng đồng xã hội có thể phản biện những điểm bất cập nhằm xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trong đó, tập trung tuyên truyền chú trọng đến từng nhóm đối tượng, đặc biệt là người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp, học sinh, sinh viên (HSSV), nhóm có tỷ lệ tham gia BHYT thấp...
BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị; Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020; Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới; Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 về “Đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân”; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT; Quyết định số 1167-QĐ/TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020; … Đồng thời, chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm ngày BHYT Việt Nam 01/7/2017 trên địa bàn thông qua việc phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh, Đài Phát thanh và truyền hình địa phương và các cơ quan truyền thông, báo chí khác thực hiện các phóng sự, chuyên mục, tọa đàm…; Tổ chức treo các băng zôn, khẩu hiệu...
BHXH Việt Nam đã tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền tạo thành hiệu ứng mạnh mẽ, rộng khắp về thực hiện chính sách BHXH, BHYT với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam tổ chức Chương trình Giao lưu“Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng”. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam vào lúc 20h ngày 30/6/2017.
Đây là một sự kiện truyền thông nhằm mục đích tuyên truyền sâu, rộng nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước; khẳng định sự quan tâm sâu sắc và lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, hướng tới mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện lộ trình BHYT toàn dân; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy, chính quyền các địa phương, quyết liệt trong thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, nỗ lực phấn đấu đến hết năm 2017 cả nước có ít nhất có 82,2% người dân tham gia BHYT và đến năm 2020 có trên 90% người dân tham gia BHYT.
Nhân dịp này, cán bộ, công chức, viên chức Ngành BHXH Việt Nam sẽ trích mỗi người 01 ngày lương để quyên góp ủng hộ người cận nghèo mua thẻ BHYT. Đây cũng là minh chứng để Ngành BHXH kêu gọi sự quan tâm, đồng hành của các tập thể, cá nhân nhằm chung tay đóng góp, hỗ trợ phần kinh phí còn lại chưa được Nhà nước hỗ trợ (30% mệnh giá thẻ BHYT) để mua thẻ BHYT cho người dân thuộc hộ cận nghèo, giúp họ được chăm sóc sức khỏe theo chế độ BHYT, có cơ hội tránh được cảnh tái nghèo do ốm đau, bệnh tật mang lại.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!
Đặng Huế (thực hiện)
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH Việt Nam thành lập Tổ tính toán cân đối quỹ BHXH, ...
BHXH Việt Nam tiếp nhận và xử lý cảnh báo chiến dịch tấn ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?