Tiếp tục triển khai toàn diện các chính sách ưu đãi người có công
06/09/2024 02:26 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng là chính sách đặc biệt, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của Đảng và Nhà nước đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Vì thế, hệ thống chính sách ưu đãi NCC luôn được bổ sung, hoàn thiện, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống NCC.
Trong 77 năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi NCC được triển khai toàn diện, các chính sách ưu đãi liên tục được nâng cao theo tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Điều này không chỉ thể hiện sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với NCC, mà còn góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước. Với quan điểm “tất cả NCC đều phải được hưởng đầy đủ chính sách và đời sống ngày được nâng cao”, đối tượng NCC ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội.
Ảnh minh họa: Internet
Hiện, cả nước có khoảng 9,2 triệu NCC với cách mạng, trong đó có gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Đời sống NCC không ngừng được nâng lên, mức chuẩn trợ cấp hằng tháng tăng từ hơn 1,3 triệu đồng (năm 2015) lên mức hơn 1,6 triệu đồng (năm 2020); đến năm 2023 được điều chỉnh tăng lên mức hơn 2 triệu đồng. Đặc biệt, ngày 1/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%)- đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng trong nhiều thập kỷ qua, được dư luận xã hội, người có công và thân nhân hoan nghênh, ủng hộ.
Theo ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. 10 năm qua (2013-2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ gia đình NCC; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được quan tâm, chăm sóc, tu bổ; cả nước đã tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang trên 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, trên 4.000 công trình ghi công liệt sĩ.
Đối với việc xem xét, công nhận NCC với cách mạng, qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng, đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, phần lớn là liệt sĩ trong thời kỳ chống Pháp và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đời sống của NCC và gia đình NCC không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Đến nay, theo thống kê có 99% hộ NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú và 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Trong giai đoạn hiện nay, việc tiếp tục thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm, tình cảm từ trái tim của các thế hệ người Việt Nam, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Trong cuộc gặp mặt thân mật 91 đại biểu NCC tiêu biểu và thân nhân NCC cả nước nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể cần tiếp tục quan tâm, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về NCC, nhất là theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 42 ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII để NCC, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách luôn được hưởng đầy đủ thành quả của sự nghiệp đổi mới đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đồng thời, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu tiếp tục giải quyết tốt các chế độ, chính sách, nhất là công tác giải quyết hậu quả sau chiến tranh, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, những trường hợp NCC còn tồn đọng, hoặc chưa được hưởng đầy đủ chính sách; quan tâm cải thiện đời sống, chăm sóc sức khỏe người cô đơn, không nơi nương tựa. Phấn đấu bảo đảm 100% NCC phải có mức sống trên mức trung bình so với dân cư cùng địa bàn, được hưởng các chế độ, chính sách đầy đủ nhất. Quan tâm ưu tiên để giải quyết khó khăn, xóa đói, giảm nghèo cho các đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo trên cả nước.
Tại Hội nghị Tri ân NCC năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, các cấp, các ngành cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với NCC, bảo đảm kịp thời, hiệu quả để NCC và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn, với tinh thần “Không để NCC nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta”. Bên cạnh đó, cần phát huy mạnh mẽ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC với cách mạng, cũng như Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng.
Thắng Trần
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, tạo tiền ...
Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán ...
Hoạt động hiến máu tình nguyện năm 2024: Lan tỏa tinh thần ...
Ngành BHXH Việt Nam: Nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ ...
BHXH Việt Nam tăng hạng, xếp thứ 2 về Chỉ số phục vụ người ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?