Tham vấn kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện Hiệp định song phương về BHXH
29/08/2024 12:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 29/8/2024, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tham vấn kinh nghiệm quốc tế về thực hiện Hiệp định song phương về BHXH”. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Ngoại giao. Các chuyên gia đại diện cho các đối tác quốc tế của BHXH Việt Nam như: ISSA; ILO; Cơ quan Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc; Cơ quan An sinh xã hội Malaysia; Cơ quan An sinh xã hội Philippines dự và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong thực hiện các hiệp định song phương về BHXH. Hội thảo được kết nối trực tuyến đến 63 BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chào mừng các chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế đến tham dự Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, chính sách BHXH, BHYT, BHTN được xác định là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội quốc gia, là nền tảng quan trọng để đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội và phát triển kinh tế bền vững. Thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển.
Là cơ quan Nhà nước thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ tổ chức, thực hiện chính sách, chế độ và quản lý các quỹ về BHXH, BHYT, BHTN, từ khi thành lập đến nay, trải qua gần 30 năm, BHXH Việt Nam luôn hoàn thành các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao, số người tham gia BHXH, BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu tại hội thảo
Theo đó, đến cuối năm 2023, toàn quốc đã có 39,35% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH; tỷ lệ tham gia BHYT chiếm 93,25% dân số; công tác giải quyết, chi trả và phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, an toàn, hiệu quả. Đồng thời, BHXH Việt Nam luôn quan tâm đến hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế nhằm nâng cao năng lực đề xuất chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong phục vụ người dân và DN.
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dịch chuyển lao động giữa các quốc gia đang diễn mạnh mẽ. Vì vậy việc đảm bảo quyền an sinh xã hội cho NLĐ đến và đi các quốc gia khác làm việc, thông qua việc ký kết các Hiệp định song phương về BHXH giữa các nước, quốc gia đã và đang trở thành xu thế tất yếu, có tính chất toàn cầu.
Trong xu thế chung đó, ngày 14/12/2021, tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, Hiệp định về BHXH đã được ký kết giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc. Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Đây là Hiệp định song phương về BHXH cấp Chính phủ đầu tiên mà Việt Nam ký kết với quốc gia khác.
TS. Andre Gama- Giám đốc Chương trình An sinh xã hội (ILO) phát biểu tham luận
“Theo phân công nhiệm vụ của Chính phủ, BHXH Việt Nam là cơ quan thực hiện Hiệp định, với trách nhiệm cùng Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc quyết định về quy trình, biểu mẫu và thực hiện có hiệu quả các nội dung của Hiệp định và Thoả thuận hành chính về BHXH đã được ký kết. Đây là nhiệm vụ mới, đòi hỏi BHXH Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn, đồng thời, nghiên cứu, học tập, chia sẻ và áp dụng các kinh nghiệm quốc tế, có giá trị thực tế cao”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nêu rõ.
Theo Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, trong bối cảnh đó, việc BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn kinh nghiệm quốc tế về thực hiện Hiệp định song phương về BHXH là rất phù hợp là cần thiết. “Với sự tham dự, chia sẻ những kinh nghiệm hay, thực tiễn tốt, cách làm hiệu quả từ các chuyên gia đến từ các bộ, ngành trong nước và quốc tế đến từ các cơ quan, tổ chức liên quan về về việc ký kết và thực hiện các Hiệp định về BHXH giữa các quốc gia ngày càng đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của NLĐ, tôi tin tưởng, Hội thảo sẽ giúp cán bộ, CCVC ngành BHXH Việt Nam sẽ có thêm kiến thức, kinh nghiệm và phục vụ người tham gia BHXH ngày càng tốt hơn”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh khẳng định.
Tại Hội thảo, dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) đã chia sẻ về định hướng đàm phán, ký kết các hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam với các nước. Theo đó, ông Nam cho biết, 6 tháng đầu 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài là 78.640 lao động. Ước 2024, đưa khoảng 130 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Số lao động Việt Nam hiện nay đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng trên 650 nghìn người. Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 6/2024, có 155.358 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Trong đó, số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 12.273 người (chiếm 7,9% trên tổng số người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam); số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 143.079 (chiếm 92,1%). Với số NLĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng, Trần Hải Nam cho biết, để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ ngày một tốt hơn, tại khoản 3, Điều 8 của Luật BHXH năm 2024 về Hợp tác quốc tế về BHXH. Trong đó, giai đoạn 2019- 2025, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định song phương về BHXH; trước hết đối với các nước tiếp nhận nhiều NLĐ Việt Nam và các nước có nhiều NLĐ đến Việt Nam làm việc.
Ông Trần Hải Nam, đại diện Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tham luận
“Trên cơ sở bảo đảm quyền lợi cho NLĐ đã được đưa vào Luật và thực tiễn đặt ra, đến nay, Việt Nam định hướng đàm phán, ký kết các Hiệp định song phương về BHXH với các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Rumani. Trong đó, Hiệp định về Hàn Quốc đã được ký kết vào tháng 12/2021 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Đối với Nhật Bản, từ năm 2018 đến nay, đã có 5 cuộc họp để trao đổi thông tin, chuẩn bị cho các nội dung Hiệp định, và đầu tháng 8 vừa qua, tại Kỳ họp của Uỷ ban Hợp tác Việt Nam- Nhật Bản, hai bên nhất trí khởi động đàm phán Hiệp định song phương về BHXH. Đối với Rumani, hiện Việt Nam đang đề xuất thảo luận về khả năng đàm phán Hiệp định BHXH song phương (nhân dịp Kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2025).
Bên cạnh đó, giới thiệu nội dung Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc về BHXH, ông Trần Hải Nam cho biết, để triển khai Hiệp định BHXH đã ký với Hàn Quốc, các cơ quan bộ, ngành liên quan cần tiếp tục tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn NLĐ hai nước trong việc thực hiện; thực hiện thông báo bằng văn bản tới Hàn Quốc, thông qua kênh ngoại giao để xác định thực hiện các quy định về tính cộng gộp thời gian. Cùng với đó, là hoàn thiện các quy định pháp luật “Trên cơ sở Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 29/6/2024, Chính phủ và các Bộ sẽ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, làm cơ sở cho việc triển khai đầy đủ Hiệp định đã ký với Hàn Quốc cũng như để Việt Nam mở rộng thúc đẩy đàm phán với các nước về BHXH”- ông Trần Hải Nam nói.
Bà Trần Thị Thu Trà - Phó Vụ trưởng Vụ HTQT phát biểu tham luận
Là cơ quan được Chính phủ giao tổ chức, thực hiện Hiệp định song phương về BHXH, bà Trần Thị Thu Trà - Phó Vụ trưởng Vụ HTQT (BHXH Việt Nam) đã giới thiệu Thoả thuận thực hiện Hiệp định giữa BHXH Việt Nam và Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc và Thoả thuận hành chính liên quan đến đối tượng BHXH. Theo bà Trà, mục đích của thoả thuận là nhằm triển khai thực hiện các nội dung về đối tượng BHXH của Hiệp định; thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định, trong đó giao BHXH Việt Nam là cơ quan tổ chức, thực hiện Hiệp định.
Đồng thời, việc xây dựng Thoả thuận nhằm tổ chức, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Hiệp định, Thoả thuận hành chính thực hiện Hiệp định và các nhiệm vụ được giao; bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng cam kết, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan thực hiện và bảo đảm quyền lợi của NLĐ thuộc đối tượng điều chỉnh của Hiệp định.
Bà Trần Thị Thu Trà cũng cho biết thêm, tại Thoả thuận, BHXH Việt Nam và cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc đã thống nhất các biểu mẫu về thực hiện đối tượng tham gia, chứng nhận đối tượng BHXH sẽ được miễn trừ tham gia BHXH; NLĐ phái cử trước ngày Hiệp định có hiệu lực cũng như thống nhất thông tin đầu mối liên hệ, trao đổi thông tin, thực hiện giữa hai bên…
Chia sẻ quan điểm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xây dựng và thực hiện các hiệp định song phương/đa phương về an sinh xã hội, TS. Andre Gama - Giám đốc Chương trình An sinh xã hội (ILO) cho biết, Công ước 102 của ILO về Tiêu chuẩn an sinh xã hội tối thiểu (cũng như các Công ước cập nhật khác trong lĩnh vực an sinh xã hội) đều chứa đựng các điều khoản rõ ràng về không phân biệt đối xử. Theo đó, Điều 68 của Công ước 102 - Áp dụng cho tất cả các chế độ an sinh xã hội trong phạm vi của Công ước- nêu rõ nguyên tắc: Mọi công dân nước ngoài thường trú trong nước phải được hưởng những quyền giống như công dân chính quốc.
Toàn cảnh hội thảo
Tuy nhiên, TS. Andre Gama cũng đánh giá, hiện còn nhiều khó khăn, thách thách trong bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ di cư. Trong đó phải kể đến như NLĐ di cư thường bị từ chối quyền lợi an sinh xã hội vì hiếm khi được bao phủ bởi các chương trình an sinh xã hội do quốc tịch, không đáp ứng điều kiện hưởng hay như hạn chế quyền lợi hưởng. Vì vậy, theo TS.Andre Gama, để thực hiện quyền an sinh xã hội của NLĐ di cư thì cần giảm những “rào cản” ngăn NLĐ di cư tham gia vào hệ thống an sinh xã hội của quốc gia đến; bảo đảm NLĐ di cư dược hưởng cáo quyền lợi của mình kể cả sau khi họ đã trở về nước xuất xứ.
Bởi theo TS. Andre Gama, các hiệp định song phương/đa phương là các hiệp ước nhằm mục đích phối hợp các chương trình an sinh xã hội của hai hay nhiều quốc gia để khắc phục những rào cản có thể ngăn NLĐ di cư được hưởng các chế độ phúc lợi theo hệ thống của bất kỳ quốc gia nào mà họ đã làm việc.
Bên cạnh đó, tại Hội thảo, TS. Andre Gama cũng đã chia sẻ về các văn bản chính sách quan trọng và tiêu chuẩn Lao động Quốc tế lêu gọi việc ký kết Hiệp định an sinh xã hội và các khuyến nghị, chiếc lược và cách tiếp cận của ILO nhằm để các quốc gia có được một cách tiếp cận tiến bộ và lồng kết hợp một số biện pháp chính sách bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau với nguyên tắc đối xử bình đẳng…
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận và làm rõ thêm nhiều nội dung về các nội dung, nguyên tắc chính về khung pháp lý trong xây dựng các Hiệp định giữa các quốc gia. Theo các chuyên gia, khi xây dựng được các khung Hiệp định cơ bản sẽ là cơ sở pháp lý làm nền tảng để đàm phán với các đối tác khi xây dựng Hiệp định trong ngắn hạn, cũng như dài hạn để cùng thống nhất, làm nền tảng áp dụng với các đối tác chung. Các chuyên gia cũng đã làm rõ thêm các nội dung về nguyên tắc bảo đảm quyền lợi của NLĐ di cư trong lâu dài.
Sau phiên buổi sáng, buổi chiều ngày 29/8, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ tiếp tục được nghe các diễn giả quốc tế đến từ Hàn Quốc, Philipines, Malaysia, ISSA sẽ chia sẻ về các nội dung như: Kinh nghiệm của Cơ quan hưu trí quốc gia Hàn Quốc, Cơ quan an sinh xã hội Philippine về xây dựng và thực hiện các hiệp định song phương về an sinh xã hội; Kinh nghiệm của Cơ quan An sinh xã hội Malaysia về đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động nước ngoài; Xu thế xây dựng và thực hiện các hiệp định song phương về an sinh xã hội trên thế giới trong bối cảnh tự do dịch chuyển lao động./.
Thắng Trần
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính năm ...
BHXH Việt Nam tổng kết công tác Chuyển đổi số, ...
BHXH tỉnh Vĩnh Phúc quyết tâm “về đích” các chỉ tiêu, nhiệm ...
BHXH tỉnh Yên Bái: Hoàn thành 95% chỉ tiêu bao phủ BHYT năm ...
Bản tin Audio số 43 - Tuần 4 tháng 12/2024
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?