Báo chí cách mạng Việt Nam với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

20/06/2024 01:51 PM


99 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng, chất lượng các cơ quan báo chí cũng như đội ngũ những người làm báo; có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Vai trò to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam

Theo thống kê vào tháng 12 năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình. Có khoảng 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Tính đến tháng 12/2023, có 20.508 người được cấp thẻ nhà báo, trong đó 7.587 nhà báo có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành Báo chí.

Báo chí cách mạng Việt Nam luôn đi đầu trong công tác thông tin tuyên truyền, định hướng tư tưởng, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tích cực đấu tranh chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực trong xã hội, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước; trực tiếp tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Các cơ quan báo chí ưu tiên hàng đầu các nội dung tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như: góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; phát hiện các mô hình mới, điển hình tiên tiến trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong cán bộ, đảng viên; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực…

Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Các cơ quan báo chí thông tin trung thực, chính xác, kịp thời, sâu rộng, có hiệu quả những nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của đất nước trong công cuộc đổi mới; làm nổi bật vai trò của Đảng trong lãnh đạo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Các tác phẩm báo chí đã bám sát việc triển khai thực hiện từng Nghị quyết của Đảng, thông tin về thực tiễn triển khai nghị quyết, những thành công, thành tựu, những vấn đề còn khúc mắc, những “điểm nghẽn" cần tháo gỡ; đưa tiếng nói của ngưười dân, của đảng viên, của cơ sở phản ánh, góp ý… Nhiều tác phẩm báo chí là những công trình nghiên cứu về lý luận về chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa xã hội khoa học; với nhiều chất liệu thực tiễn sâu sắc như: “Nhận thức và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn trong tiến trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (Tạp chí Cộng sản, 2023), “Văn hoá và một số vấn đề về văn hoá Đảng trong tình hình hiện nay (Tạp chí Xây dựng Đảng, 2023), “Vì sao nghị quyết thì hay, thực hiện lại “gay trăm bề"” (Báo Quân đội nhân dân, 2023)...

Nhân rộng những điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh

Từ nhiều năm nay trên hầu khắp mặt báo và trên sóng phát thanh, truyền hình từ trung ương đến địa phương đưa tin, bài về những tấm gương Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Học và làm theo Bác”, “Người tốt việc tốt”, “Gương Đảng viên”,“Cặp lá yêu thương” của VTV1, “Đảng với Dân” của Truyền hình Nhân Dân. Báo Quân đội nhân dân tổ chức và trao giải thường niên cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” từ năm 2008. Các cơ quan báo chí đã phát hiện, giới thiệu hàng trăm cá nhân, tập thể điển hình trong việc học tập và làm theo Bác. Việc chú trọng, quan tâm tuyên truyền điển hình tiên tiến đã góp phần mang lại những hiệu quả tích cực. Các bài báo ngày càng sâu về nội dung, phong phú về hình thức, phản ánh được nội dung của Chỉ thị 05-CT/TW, lan tỏa được các mô hình hay, cách làm hiệu quả của các tổ chức, cá nhân, gương người tốt, việc tốt; giá trị lý luận, ý nghĩa của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giải quyết các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ảnh: Bác Hồ gặp gỡ báo chí, nguồn Internet

Đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Thực tiễn báo chí cách mạng những năm gần đây cho thấy nhiều tác phẩm, chuyên trang, chuyên mục có tính định hướng, tổng kết thực tiễn tốt, bổ sung cho lý luận với văn phong sắc sảo, tư liệu phong phú, thuyết phục người đọc. Chương trình chính luận “Đối diện” của VTV đề cập toàn diện và trực tiếp về các điểm nóng của xã hội được dư luận đặc biệt quan tâm, thu hút đông đảo khán giả theo dõi. Các chương trình chính luận tiêu biểu như: Cảnh giác với âm mưu thâm độc "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang" (01/10/2020); “Phản bác thông tin xuyên tạc về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” (30/06/2021). Chương trình “Nhìn thẳng– Nói đúng” của VOV chuyên phân tích cơ sở lý luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; ý đồ phá hoại của các thế lực thù địch và đề xuất giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Tạp chí Cộng sản, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân và một số Đài, kênh phát thanh, truyền hình đã mở các chuyên mục “Đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch”,“Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”” và “Phòng, chống “diễn biến hòa bình”” ,“Xây dựng Đảng”, “Xây dựng và chỉnh đốn Đảng” thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước, quốc tế. Các bài viết, video clips,… đề cập trực diện những vấn đề mà các đối tượng chống phá đang tuyên truyền, trực tiếp phản bác các quan điểm sai trái, tạo niềm tin cho nhân dân vào công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. 

Đẩy mạnh phòng chống “giặc nội xâm”

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực với tư tưởng chỉ đạo Chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay có sự đóng góp quan trọng của báo chí, bởi những thông tin trên báo chí có tác dụng răn đe, cảnh báo làm cho những đối tượng manh nha tham nhũng phải chùn tay. Đồng thời những phản ánh của báo chí là nguồn tin có giá trị để các cơ quan bảo vệ pháp luật nghiên cứu, xem xét, tổ chức đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật. Báo chí cũng là nơi phản hồi kết quả áp dụng chính sách, pháp luật, từ đó cơ quan chức năng có sự điều chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, lãng phí.

Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Một là, báo chí Việt Nam phải tiếp tục là lực lượng tiên phong trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Từng cơ quan báo chí và mỗi người làm báo phải kiên định mục tiêu chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, luôn đặt lợi ích của dân tộc, của giai cấp lên trên hết, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Người làm báo cách mạng phải không ngừng phấn đấu tu dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt.

Để thực hiện được sứ mệnh của mình, cần nghiên cứu, phân tích rõ thàng công, hạn chế, những vấn đề đặt ra; từ đó có giải pháp cụ thể trong xây dựng và phát triển lực lượng (đội ngũ những người làm báo) viết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên toàn hệ thống nói chung và từng cơ quan báo chí nói riêng.

Hai là, xây dựng nền báo chí tích cực, báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo trong triển khai các nội dung về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Đảng có vững, cách mạng mới thành công". Suốt quá trình cách mạng, nhất là trước mỗi bước ngoặt của lịch sử, Người luôn nêu bật nhiệm vụ "chỉnh đốn Đảng", xây dựng Đảng. Người cho rằng“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người luôn đánh giá cao báo chí trong việc tố giác, phát hiện, góp phần ngăn chặn và chữa trị các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Người yêu cầu cá nhân và đơn vị khi đã được phê bình trên báo chí thì phải tiếp thu, tự phê bình và bày tỏ cách khắc phục khuyết điểm.

Hồ Chủ tịch cũng nhấn mạnh rằng: phê bình trên báo chí phải mang tính xây dựng. Học tập tư tưởng của Người, các cơ quan báo chí cần định hướng phát triển các tác phẩm báo chí thúc đẩy quá trình xây dựng và truyền thông chính sách, giám sát và phản biện xã hội; tạo diễn đàn thảo luận và góp ý để người dân có thể tham gia vào quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng, từ đó góp phần xây dựng nền báo chí tích cực, báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo.

Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí.

Với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ mạng xã hội, báo chí gặp nhiều thách thức về thông tin nhanh và thông tin sai lệch. Để chiếm lĩnh dòng thông tin chủ lưu, báo chí cách mạng Việt Nam cần chủ động chuyển đổi số mạnh mẽ để tiếp cận và thu hút khán, độc giả, đồng thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, giúp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hơn lúc nào hết, cần xây dựng hệ thống các cấp Hội Nhà báo từ Trung ương đến cơ sở thật sự vững mạnh. Vai trò, sứ mệnh của Hội Nhà báo Việt Nam cần được đề cao hơn nữa trong công tác phát triển nghiệp vụ báo chí và giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo cách mạng cả nước.

Nhà báo NGUYỄN ĐỨC LỢI

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Tài liệu tham khảo:

[1] TS. Võ Văn Lộc (2008), Hồ Chí Minh với chữa bệnh mất dân chủ, NXB Chính trị Quốc gia, tr.141

[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1997), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật

[4] https://infographics.vn/so-lieu-ve-cac-co-quan-bao-chi-viet-nam-nam-2023/209747.vna

Quỳnh Mai - theo Đoàn Khối các cơ quan Trung ương