Tham vấn ý kiến chuyên gia ILO về Luật BHXH (sửa đổi)
30/05/2023 09:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 30/5, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn có buổi làm việc với nhóm chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), do ông André Gama- Giám đốc An sinh xã hội của ILO tại Việt Nam làm Trưởng đoàn. Buổi làm việc nhằm tham vấn ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật BHXH. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho biết, qua 7 năm thực hiện, Luật BHXH 2014 đạt nhiều kết quả, nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế như: Diện bao phủ chưa tương xứng so với tiềm năng; số người tham gia BHXH mới đạt trên 38% lực lượng lao động, việc nâng tỷ lệ lên 60% vào năm 2030 là thách thức không nhỏ. Ngoài ra, tình trạng NLĐ nhận BHXH một lần gia tăng cũng ảnh hưởng đáng kể tới mục tiêu bao phủ BHXH bền vững, cũng như quyền lợi chính đáng của họ khi về già.
Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn phát biểu tại buổi làm việc
“Từ thực trạng trên, BHXH Việt Nam rất kỳ vọng vào việc sửa đổi, bổ sung Luật BHXH lần này sẽ thể chế hoá được các nội dung cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28/NQ-TW của Trung ương, nhằm xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, mở rộng diện bao phủ, hướng tới mọi người khi hết tuổi lao động đều được nhận lương hưu hằng tháng hoặc trợ cấp hưu trí xã hội…”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.
Nhận định về việc thực hiện mục tiêu tại Nghị quyết số 28/NQ-TW, ông André Gama cho rằng, Việt Nam cần phải tiếp tục ưu tiên xây dựng một hệ thống BHXH đa tầng thật sự, với việc tăng cường bổ sung và tích hợp giữa các cột trụ đóng góp (từ tiền đóng BHXH của NLĐ và chủ SDLĐ) và cột trụ phi đóng góp (do NSNN chi trả). "Chỉ những nỗ lực như vậy mới giúp Việt Nam có thể cung cấp an sinh xã hội cho những nhóm lớn dân số hiện không được hưởng lợi từ bất kỳ chương trình an sinh xã hội nào, đặc biệt là những lao động phi chính thức"- ông André Gama nhấn mạnh.
Ông André Gama- Giám đốc An sinh xã hội của ILO tại Việt Nam (giữa)
Chỉ ra một số tồn tại trong triển khai chính sách BHXH tại nước ta, ông André Gama nêu rõ, hiện Việt Nam đang thiếu sự phối hợp giữa chính sách BHXH và trợ giúp xã hội, dẫn đến rất nhiều người rơi vào "khoảng trống", không thuộc diện được hưởng bất kỳ chính sách nào. Sự thiếu kết nối này là trở ngại khiến Việt Nam chưa phát triển toàn diện hệ thống an sinh xã hội đa tầng thực sự. Cùng với đó, nhóm lao động tham gia BHXH bắt buộc chưa được mở rộng đúng khả năng, bỏ sót nhiều trường hợp khác. Chế độ trợ cấp ngắn hạn của chính sách chưa đủ thuyết phục để thu hút người tham gia BHXH.
Ngoài ra, với việc NLĐ có thể rút toàn bộ các khoản đóng góp qua hình thức nhận BHXH một lần tại bất kỳ thời điểm nào, thì Việt Nam gần như là nước duy nhất trên thế giới thực hiện chính sách này. Điều này khiến NLĐ rời bỏ hệ thống BHXH sớm, thời gian tham gia sau đó không đủ để nhận lương hưu. Trong khi đó, đầu tư của Chính phủ vào an sinh xã hội, bao gồm hỗ trợ đóng góp BHXH cho những người có thu nhập, đang thấp hơn so với mức trung bình thế giới…
Theo ông André Gama, để việc mở rộng bao phủ BHXH thành công, cần rất nhiều yếu tố. Sẽ không chỉ đòi hỏi đối thoại xã hội và quyết tâm mạnh mẽ, mà còn cần sự gia tăng đáng kể đầu tư của Chính phủ vào an sinh xã hội. “Rất nhiều NLĐ thu nhập thấp không có điều kiện tham gia BHXH và cần Nhà nước hỗ trợ. Việc này giúp ngày càng có nhiều người tham gia BHXH, tăng mức độ bao phủ của hệ thống”- ông André Gama lưu ý.
Nhóm chuyên gia ILO đưa ra 4 nhóm khuyến nghị về sửa đổi Luật BHXH
Tại buổi làm việc, nhóm chuyên gia của ILO đã chia sẻ 4 nhóm nội dung khuyến nghị chính về Luật BHXH (sửa đổi), bao gồm: Diện bao phủ; điều chỉnh rút BHXH một lần; chế độ trợ cấp trẻ em; xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng. Theo đó, cần mở rộng ngay diện bao phủ pháp lý của BHXH bắt buộc, với ưu tiên chính là tăng bao phủ pháp lý cho các nhóm NLĐ có khả năng tham gia.
Để làm được điều này, cần một quá trình từng bước cho phép các cơ quan quản lý BHXH, DN và NLĐ điều chỉnh theo bất kỳ thay đổi nào. Bên cạnh đó, cần cơ chế hỗ trợ tài chính để đóng góp vào hệ thống và hưởng các chế độ liên quan.Đối với việc hạn chế nhận BHXH một lần, cần cải thiện các chế độ ngắn hạn (ví dụ hỗ trợ các hộ gia đình một khoản trợ cấp dựa trên số lượng trẻ em). Mở rộng diện bao phủ và tăng cường các chính sách trợ cấp và chính sách chủ động việc làm trong chế độ BH thất nghiệp. Từng bước giảm tỷ lệ số tiền đóng BHXH mà NLĐ có thể được rút qua chế độ BHXH một lần, cũng như tăng thời gian chờ được rút BHXH một lần.
Để xây dựng được hệ thống hưu trí đa tầng, cần tích hợp hưu trí xã hội vào hệ thống BHXH. Cụ thể, cần đưa lương hưu xã hội vào hệ thống BHXH, trong khi vẫn được chi trả từ nguồn ngân sách, có thể hỗ trợ quá trình này vì việc hoạch định chính sách cho hệ thống đa tầng nên do một cơ quan chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, vẫn cần xem xét các yếu tố như: Mức lương hưu thỏa đáng hay chưa? Mức lương hưu tối thiểu như thế nào? Sự khác biệt/cơ chế khuyến khích tham gia giữa lương hưu đóng góp và lương hưu do NSNN chi trả…/.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, tạo tiền ...
Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán ...
Hoạt động hiến máu tình nguyện năm 2024: Lan tỏa tinh thần ...
Ngành BHXH Việt Nam: Nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ ...
BHXH Việt Nam tăng hạng, xếp thứ 2 về Chỉ số phục vụ người ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?