Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025
24/02/2023 08:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 23/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Công điện số 71/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Ảnh minh hoạ, nguồn Internet
Công điện nêu rõ: Các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề cấp thiết, bức bách nhất của đời sống nhân dân, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và người dân đặc biệt quan tâm.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 (Ban Chỉ đạo Trung ương) đã ban hành 11 nghị quyết, 2 chỉ thị, 5 công điện, 4 thông báo kết luận và nhiều văn bản chỉ đạo khác; tổ chức 6 hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương; tổ chức 3 đoàn khảo sát và 3 hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 2/2023 để nắm bắt tình hình, đôn đốc tiến độ thực hiện 3 chương trình và đề xuất, thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở các địa phương. Đến nay, Trung ương đã ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách khung để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với 71/73 văn bản; 2 văn bản còn lại đang được các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ bản hoàn thành trong quý I/2023.
Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn từ nguồn ngân sách Trung ương đến nay vẫn còn hạn chế. Việc ban hành các văn bản quản lý và triển khai tổ chức thực hiện ở các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tập trung vào một số nhóm lĩnh vực: Một số nội dung thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn; một số nội dung đã có văn bản hướng dẫn nhưng chưa rõ ràng hoặc chưa có sự thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn của Trung ương.
Một số nhiệm vụ, chỉ tiêu Trung ương giao chưa phù hợp với thực tiễn của địa phương; chưa có sự thống nhất về cách hiểu và triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương tại các địa phương. Các dự án đầu tư nhỏ lẻ, dàn trải dẫn đến số lượng hồ sơ, thủ tục phải triển khai lớn, trong khi đó năng lực đội ngũ cán bộ ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một số địa phương chưa phân bổ hết nguồn vốn ngân sách Trung ương giao năm 2023. Vốn được giao năm 2023 và vốn được kéo dài thời gian thực hiện giải ngân từ năm 2022 khá lớn, tạo áp lực đối với việc triển khai và giải ngân. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương theo thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý các khó khăn, vướng mắc của các địa phương; có văn bản trả lời, hướng dẫn, diễn giải cụ thể và đồng gửi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để các địa phương tham khảo, triển khai thực hiện bảo đảm thời hạn được giao; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền. Các bộ, cơ quan Trung ương là chủ dự án thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia tích cực theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện các dự án thành phần được giao chủ trì quản lý tại các địa phương để chủ động rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách theo tinh thần tháo gỡ các "nút thắt", khơi thông các "điểm nghẽn", phù hợp tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi, thông suốt, hoàn thành các mục tiêu đề ra. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế, trong đó khẩn trương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các quy định khung, văn bản quản lý, điều hành để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương; hoàn thành trong quý I/2023. Tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng hoàn thiện, thống nhất trong công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, đặc biệt là trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương; nghiên cứu xây dựng sổ tay hướng dẫn chi tiết cụ thể và hồ sơ mẫu để phổ biến, tập huấn, đào tạo cho cấp cơ sở. Rà soát, tổng hợp các văn bản quản lý, điều hành đã ban hành để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương, gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 5/3/2023; trong đó nêu rõ căn cứ pháp lý, thẩm quyền ban hành, kết quả triển khai trong thực tiễn, khó khăn, vướng mắc và các đề xuất, kiến nghị (nếu có). Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các sở, ngành đơn vị trong việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và văn bản triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; rà soát danh mục các dự án đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để tập trung thực hiện bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải, rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao bảo đảm đúng quy định hiện hành và tiến độ được giao; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra cùng cấp để công tác kiểm tra, giám sát phải thực chất, hiệu quả và đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện Công điện này.
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
BHXH các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung quyết tâm hoàn ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?