BHXH các địa phương: Tăng cường các biện pháp hoàn thành chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT năm 2022

25/10/2022 02:14 PM


Những tháng cuối năm là thời điểm BHXH các địa phương thực hiện những biện pháp sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với đặc thù của đối tượng, địa bàn; với đích cuối cùng là đạt được các chỉ tiêu được giao năm 2022.

Tại Hà Nội: 

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa để thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2022. Để hoàn thành chỉ tiêu được Chính phủ giao, UBND TP.Hà Nội vừa ban hành văn bản số 3497/UBND-KGVX chỉ đạo triển khai các biện pháp thực hiện chỉ tiêu này.

Tính đến nay, trên địa bàn Hà Nội, số người tham gia BHXH tự nguyện mới đạt gần 62% kế hoạch năm; như vậy từ nay đến cuối năm, toàn thành phố còn phải phát triển thêm trên 41 ngàn người tham gia nữa. Trong khi đó, số người tham gia BHYT mới đạt gần 98% kế hoạch năm; còn phải phát triển thêm trên 161 ngàn người tham gia.

Theo đánh giá của UBND TP.Hà Nội, thời gian qua, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT đã đạt được kết quả tích cực, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và tỷ lệ bao phủ BHYT đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2022, nhất là chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các sở, ban ngành và UBND các quận, huyện, thị xã.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Do đó, UBND Thành phố yêu cầu BHXH TP.Hà Nội phải chủ động phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê danh sách các hộ gia đình nông-lâm- diêm- ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn, người chưa tham gia BHXH, BHYT để làm căn cứ tiếp cận tuyên truyền, vận động.

BHXH các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với các ban, ngành và UBND các xã, phường, thị trấn phát triển người tham gia BHXH, BHYT, giao rõ chỉ tiêu cho từng tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT. Đặc biệt, phải đồng hành, nắm vững, theo sát tình hình để kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn; thường xuyên đánh giá kết quả hoạt động của các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT.

UBND Thành phố cũng đề nghị Sở LĐ-TB&XH tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; phối hợp với cơ quan BHXH và các đơn vị có liên quan rà soát, thống kê danh sách các hộ gia đình nông- lâm- diêm- ngư nghiệp có mức sống trung bình, người chưa tham gia BHXH, BHYT; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc tham gia BHYT cho 100% HSSV, đưa chỉ tiêu HSSV tham gia BHYT là một trong những chỉ tiêu bình xét thi đua đối với các cơ sở giáo dục.

Hiện nay, Hà Nội mới đạt trên 98% HSSV tham gia BHYT, nên UBND Thành phố yêu cầu Sở GD-ĐT phải chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc vận động 100% HSSV tham gia BHYT; đưa chỉ tiêu HSSV tham gia BHYT là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng, bình xét thi đua, khen thưởng đối với tập thể và người đứng đầu các Phòng GD-ĐT cũng như các trường trực thuộc.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Đồng thời, đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội và các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội khuyến khích Ủy ban MTTQ, Hội LHPN Việt Nam, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên các cấp kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng DN, các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để mua thẻ BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện tặng người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Thành đoàn Hà Nội chỉ đạo các cơ sở Đoàn trực thuộc phối hợp với cơ quan BHXH tuyên truyền, phổ biến pháp luật BHXH, BHYT đến chủ SDLĐ và NLĐ là đoàn viên; vận động đoàn viên thanh niên tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT HSSV và BHYT hộ gia đình. Đưa chỉ tiêu tham gia BHYT của đoàn viên là chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của BCH Đoàn Thanh niên cơ sở.

Đặc biệt, UBND Thành phố yêu cầu kiện toàn ngay Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp quận, huyện, thị xã và cấp xã, phường, thị trấn. Những Ban Chỉ đạo này phải do đích thân Chủ tịch UBND cùng cấp làm Trưởng ban, với sự tham gia của đại diện các tổ chức đoàn thể cơ sở. Ban Chỉ đạo cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn đều phải áp dụng các biện pháp tuyên truyền, vận động rất cụ thể, sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với đặc thù của đối tượng, địa bàn, đích cuối cùng là đạt được các chỉ tiêu được giao năm 2022.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Tại Hà Tĩnh:

Vừa qua, tại Hà Tĩnh, Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) phối hợp với Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam) và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, góp phần đưa chính sách, pháp luật BHXH, BHYT vào cuộc sống”.

Bà Đỗ Phương Thảo- Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương), ông Lê Văn Khánh- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Đồng- Giám đốc BHXH tỉnh Hà Tĩnh chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Văn Khánh- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT trong việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Theo ông Khánh, trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội của Hà Tĩnh gặp rất nhiều khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19, thì chính sách BHXH, BHYT càng thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của Nhà nước.

Tại Hà Tĩnh, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 8/1/2021 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. UBND tỉnh và một số địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ một phần mức đóng cho một số nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng luôn chú trọng triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT. Đơn cử: Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các sở, ngành liên quan xây dựng, ký kết và triển khai thực hiện chương trình phối hợp giữa các bên. Trên cơ sở đó, phổ biến đến các chủ SDLĐ, NLĐ, cũng như từng cán bộ, đảng viên và người dân bằng nhiều hình thức đa dạng; góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với chính sách BHXH, BHYT.

Toàn cảnh cuộc họp

Kết quả, tính đến 30/9/2022, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 142.911 người tham gia BHXH, tăng 11.677 người so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 21,4% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó gồm 50.160 người tham gia BHXH tự nguyện; 1.158.344 người tham gia BHYT- đạt tỷ lệ bao phủ 91,5% dân số. Công tác giải quyết các chế độ được kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT; hằng tháng chi trả cho hơn 70 nghìn người hưởng chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH và 5.600 người hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày 8 tham luận liên quan đến công tác tuyên truyền miệng về thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Đáng chú ý như: Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, chế độ BHXH cho NLĐ tại các DN trên địa bàn tỉnh; công tác phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, tư vấn để đưa chính sách BHXH, BHYT, trong đó có BHXH tự nguyện đến với hội viên phụ nữ; công tác phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho công nhân để đưa chính sách BHXH, BHYT vào cuộc sống; những kết quả và giải pháp công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền miệng nói riêng nhằm nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân trong việc tham gia BHXH, BHYT...

Các tham luận đã tập trung phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tham mưu, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp đến các cấp, ngành liên quan về việc tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động công tác tuyên truyền miệng chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trong thời gian tới.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Phát biểu kết luận Hội thảo, bà Đỗ Phương Thảo- Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) đánh giá cao vai trò của các cấp, các ngành, nhất là nỗ lực của BHXH tỉnh Hà Tĩnh trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, nhất là về phát triển BHXH tự nguyện. Bà Đỗ Phương Thảo cũng khẳng định, sự cố gắng và đóng góp của Ban Tuyên giáo các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong các hoạt động tuyên truyền nói chung, tuyên truyền miệng nói riêng về chính sách BHXH, BHYT rất quan trọng, góp phần giúp tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu về BHXH, BHYT.

Phân tích thêm về những hạn chế, khó khăn đã được đại biểu nêu tại Hội thảo, bà Đỗ Phương Thảo bày tỏ đồng tình với các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu. Theo đó, những kết quả thu được từ Hội thảo sẽ giúp lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và BHXH Việt Nam đề ra các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong thời gian tới, nhằm thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT nói riêng. Đồng thời, còn giúp BHXH tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu để cùng với địa phương thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn

PV