Cần có chế tài với sinh viên không tham gia BHYT

14/09/2022 03:33 PM


Đó là đề xuất trong tham luận của đại diện Thành ủy TP.HCM tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về thực hiện chính sách ASXH giai đoạn 2012-2020, vừa tổ chức tại TP.HCM.

Theo đó, đối với chính sách BHYT HSSV, Thành ủy TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp yêu cầu HSSV tham gia BHYT là bắt buộc và có các hình thức chế tài cụ thể để thực hiện.

Nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM có tỷ lệ tham gia BHYT thấp

Thành ủy TP.HCM nhận định, hiện nay tỷ lệ HSSV tại các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề và trung học nghề tham gia BHYT rất thấp. Thực tế này không chỉ xảy ra ở TP.HCM, mà hầu hết các địa phương trong cả nước đều diễn ra tình trạng này.

Đơn cử, theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm học 2019-2020, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT của khối trường đại học, cao đẳng, trung cấp chỉ dưới 50%. Tình trạng này chưa được khắc phục triệt để trong nhiều năm, khiến việc đảm bảo quyền lợi cho sinh viên cũng như công tác triển khai chính sách BHYT HSSV gặp khó khăn.

Liên quan chính sách BHYT HSSV, ngày 14/11/2008, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 1/7/2009). Luật quy định, kể từ 1/1/2010, HSSV trở thành nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT. Đến ngày 13/6/2014, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015), trong đó tiếp tục xác định HSSV là nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT.

Tuy nhiên, dù xác định HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, nhưng Luật BHYT cũng như Nghị định, Thông tư hướng dẫn lại không quy định chế tài xử lý nếu HSSV cố tình không tuân thủ, không thực hiện.

PV