Tháo gỡ những nút thắt cho doanh nghiệp, người dân ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

03/06/2022 08:52 AM


Trong một ngày rưỡi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu trên tinh thần xây dựng, tâm huyết, trách nhiệm. Rõ ràng, những quyết sách của Quốc hội, Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, nhưng một trong những hạn chế được chỉ ra là công tác tổ chức thực hiện. Đây là tồn tại không mới, nhưng chưa được khắc phục triệt để. Để khẩn trương đưa các quyết sách đúng sớm vào đi cuộc sống, đến với người dân, doanh nghiệp đòi hỏi quyết tâm rất lớn, phải có tiến độ cụ thể.

Hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phát triển KT-XH

Phiên thảo luận đánh giá bổ sung về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước sáng qua tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến phong phú, thẳng thắn, sâu sắc, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân đối với những vấn đề quốc kế dân sinh.

Một trong những vấn đề tiếp tục làm nóng nghị trường liên quan đến thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp - kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Theo ĐBQH Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế), thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đạt quy mô 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 17% GDP và đã có tác dụng làm giảm áp lực đối với kênh tín dụng, góp phần tài trợ vốn cho phát triển kinh tế và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thị trường trái phiếu nói riêng, thị trường chứng khoán nói chung đạt được vốn hóa thị trường là 120% GDP, đạt chỉ tiêu Chính phủ đề ra.

Khẳng định những nỗ lực, kết quả đạt được, song nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ rõ, những thị trường này thời gian qua đều cho thấy có sự "bất ổn". Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đúng quy định của pháp luật. Theo ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình), cùng với sự tăng trưởng nóng là những tiềm ẩn về chất lượng sản phẩm khi có nhiều loại trái phiếu phát hành không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm. Đặc biệt, đến nay nhiều trái phiếu doanh nghiệp sắp đến kỳ đáo hạn nhưng "sức khỏe" của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản, đang sụt giảm do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid - 19, dẫn đến nguy cơ rủi ro doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các vụ việc vừa qua cho thấy, cơ chế, chính sách của Nhà nước đã bị lợi dụng. Nguyên nhân, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, là do điều kiện phát hành còn lỏng lẻo, tiêu chí đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp phát hành và sự kiểm tra, giám sát, quản lý của các cơ quan chủ quản chưa quyết liệt, hiệu quả. Phát hành trái phiếu nhưng sử dụng sai mục đích, chuyển nhượng vốn lòng vòng. Quá trình phát hành trái phiếu còn phát sinh các hành vi vi phạm, không minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ báo cáo công khai liên quan đến việc cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành…

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phát triển KT-XH. Ảnh: Internet

Để khắc phục, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát các cơ chế, chính sách, tập trung sơ kết, tổng kết để sớm sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, siết chặt hơn các quy định quản lý nhà nước về phát hành, theo đó, để được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thì doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm, bắt buộc phải có đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi một tổ chức độc lập. Cùng với việc có quy định pháp lý để thúc đẩy sự ra đời của tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thì đồng thời Nhà nước cũng phải có cơ chế giám sát hoạt động của các tổ chức này. Chú trọng sửa đổi quy định để nâng cao mức độ công khai hóa, minh bạch hóa thông tin cũng như các quy định an toàn tài chính...

Thị trường chứng khoán đã, đang và sẽ là kênh huy động vốn trung, dài hạn tốt. Khẳng định điều này trước Quốc hội, thừa nhận những hạn chế, tồn tại trong quản lý thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đang trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, nhằm thực hiện một cách tốt hơn, minh bạch hơn và "bịt" một số lỗ hổng trong quản lý thị trường chứng khoán. Đặc biệt, Chính phủ sẽ kiến nghị với Quốc hội để sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp. Đơn cử, Luật Chứng khoán hiện hành không khống chế điều kiện phát hành. Doanh nghiệp lỗ cũng được phát hành, không khống chế về mục đích phát hành, không quy định về vấn đề vốn, chỉ tiêu nợ trên vốn chủ sở hữu… là chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.

Hạn chế vẫn là khâu tổ chức thực hiện

Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, các đại biểu tiếp tục đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân do ảnh hưởng của dịch Covid - 19.

Chia sẻ cảm xúc "vừa mừng, vừa lo", ĐBQH, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá cao quyết tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc Bộ Chính trị có Kết luận 24-KL/TW và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ có Nghị quyết 11/NQ-CP về chính sách hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ về miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Hiện nay, người dân và doanh nghiệp rất khó khăn, giá cả tăng cao nhưng lương người lao động không tăng, thậm chí giảm, cá biệt có tăng thì không đáng kể, doanh nghiệp phải chịu chi phí đầu vào cao để phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh như vậy, việc "không tăng thuế mà giảm, miễn thuế là quyết sách đúng, kịp thời, để góp phần kiềm chế giá cả, lạm phát cũng như hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp", đại biểu Lê Minh Trí khẳng định.

Quốc hội đã hoàn thành một số nội dung rất quan trọng về phát triển KT-XH. Ảnh: Quochoi

Tuy nhiên, đại biểu Lê Minh Trí cũng kiến nghị, Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá bổ sung việc miễn, giảm thuế sâu hơn, dài hơn, không chỉ 2% và trong năm 2022 mà có thể là 2 năm hoặc dài hơn tùy lĩnh vực, đối tượng. Đồng thời, để những quyết sách đúng đắn nhanh chóng đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận được, đại biểu Lê Minh Trí kiến nghị Chính phủ có phương án, kế hoạch phân công triển khai đồng bộ từ các bộ, ngành có liên quan đến UBND các tỉnh, thành phố theo hướng cần có tiến độ cụ thể, có đánh giá hàng tháng, quý. "Quốc hội cần có biện pháp giám sát kết quả thực hiện, bảo đảm không để triển khai chậm sẽ hạn chế đến hiệu quả, không đạt được kết quả chúng ta mong muốn. Thực tế chúng ta đã có ý tưởng tốt, ý tưởng đúng, nhưng yếu và hạn chế vẫn là tổ chức triển khai thực hiện. Thực tế khối lượng công việc của Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội rất lớn và thời hạn thực hiện cũng không dài, nên cần phải khẩn trương và phải có tiến độ cụ thể", đại biểu Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Quốc hội đã hoàn thành một trong những nội dung rất quan trọng, luôn thu hút được sự quan tâm, theo dõi của cử tri và Nhân dân cả nước: Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Các ý kiến đại biểu nêu ra rất phong phú, chất lượng, thể hiện trách nhiệm cao trước những vấn đề quan trọng của đất nước, là tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Trong phát biểu kết luận một ngày rưỡi thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và những nội dung đề cập trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Trong đó, một trong những nội dung cần được đặc biệt chú ý, đó là khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 43/2022/QH15 và các nghị quyết về kế hoạch 5 năm của Quốc hội.

PV