BHXH TP.Hồ Chí Minh: Cần có các giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn nữa trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT sau đại dịch
05/05/2022 06:37 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 05/5/2022, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh và đoàn công tác của BHXH Việt Nam đã có buổi làm việc với BHXH TP.Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại buổi làm việc
Nhiều khó khăn trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT
Tại buổi làm việc, Giám đốc BHXH Thành phố Phan Văn Mến đã báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm 2022. Ông Mến cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. BHXH Thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch được giao. Công tác giải quyết chế độ BHXH, BHYT được đảm bảo trong tình hình dịch bệnh. Bốn tháng đầu năm, toàn thành phố có 506.309 lượt người hưởng chế độ BHXH, tăng 0,3% so với cùng kỳ; hơn 4,6 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT. Tỷ lệ người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng trên địa bàn qua tài khoản ATM đã đạt 65,91%.
Tuy nhiên, đến hết tháng 4/2022, toàn Thành phố chỉ có số người tham gia BHXH bắt buộc tăng so với tháng 12/2021 với trên 2,35 triệu người, tăng 2,75% so với 31/12/2021 (tương đương 63.022 người) nhưng vẫn giảm 0,16 so với cùng kỳ năm 2021. Số người tham gia BHXH tự nguyện giảm mạnh hiện chỉ còn 27.845 người, giảm 45,71% so với 31/12/2021 (tương đương 23.444 người). Số người tham gia BHYT là trên 7,5 triệu người, giảm 8,13% so với 31/12/2021 (tương đương 663.631 người).
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Mến, do ảnh hưởng quá nặng nề của dịch Covid-19 trong năm 2021, nhiều người lao động về quê tránh dịch và ăn Tết chưa trở lại làm việc hoặc không trở lại làm việc. Một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như du lịch, khách sạn, vận tải… vẫn chưa phục hồi do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số người tham gia BHYT học sinh, sinh viên giảm sâu, nguyên nhân do học sinh sinh viên một số trường Đại học vẫn còn học trực tuyến nên Nhà trường vẫn chưa thu được tiền và lập danh sách tham gia tiếp. Từ năm 2022, do chuẩn nghèo, cận nghèo của Thành phố điều chỉnh tăng lên dẫn đến số người được ngân sách đóng BHYT có giảm xuống so với năm 2021. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2022 đến nay, BHXH Thành phố chưa tổ chức được nhiều cuộc hội nghị tuyên truyền trực tiếp, tập trung chủ yếu vào tư vấn nhóm và tuyên truyền trực tuyến, nhưng hiệu quả chưa cao. Số lượng viên chức, người lao động làm công tác truyền thông tại BHXH Thành phố cũng như cán bộ đầu mối phối hợp với BHXH thành phố tại các Sở, ban, ngành, UBND xã, phường gần 80% bị nhiễm Covid-19, ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc, lãnh đạo các phòng trực thuộc BHXH Thành phố và BHXH các quận, huyện cũng thông tin về tình hình nhiệm vụ tại đơn vị; trong đó nêu một số khó khăn, vướng mắc như thiếu nhân sự, nhất là đội ngũ làm giám định BHYT; trang thiết bị, cơ sở vật chất, phần mềm, chuyển đổi dữ liệu…
Cần đánh giá chi tiết, có giải pháp tổng thể, quyết liệt trong thực hiện
Tại cuộc họp, Thủ trưởng các đơn vị: Quản lý Thu- Sổ, thẻ; Ban Thực hiện chính sách BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHYT, Vụ Thanh tra – Kiểm tra; Trung tâm Truyền thông, Trung tâm CNTT, Vụ Tài chính Kế toán, Vụ Kế hoạch đầu tư đã thông tin thêm về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn so với các địa phương và toàn quốc; đồng thời giải đáp một số đề xuất, kiến nghị của BHXH Thành phố.
Thời gian tới, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam nhận định, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của BHXH TP.Hồ Chí Minh là rất nặng nề, đặc biệt là công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT với số người tham gia BHXH tự nguyện đang giảm sâu.
Giám đốc BHXH Thành phố Phan Văn Mến báo cáo tại buổi làm việc
Về giải pháp, BHXH tỉnh cần theo sát diễn biến của thị trường lao động. Hiện nay, hơn 98% người lao động với khoảng hơn 400.000 người nghỉ việc do dịch của TP.Hồ Chí Minh đã quay trở lại làm việc. BHXH Thành phố cần tiếp cận ngay để nắm thông tin, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhóm người này tham gia trở lại hệ thống BHXH.
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao TP.Hồ Chí Minh cần đạt 91,25% dân số tham gia BHYT, để hoàn thành chỉ tiêu này, Thành phố cần phát triển thêm 10% với khoảng 1,2 triệu người từ nay đến cuối năm, trong số này có khoảng 500.000 người thuộc nhóm hộ gia đình. Đây là một thách thức không nhỏ. BHXH Thành phố cần nghiên cứu, thực hiện ngay Quyết định số 546/QĐ-TTg vừa ban hành của Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2025; cần khẩn trương báo cáo, tham mưu UBND Thành phố về vấn đề này để kiện toàn các Ban chỉ đạo, phân loại cụ thể các nhóm yếu thế theo tình hình địa phương để đề xuất chính sách hỗ trợ mức đóng, huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp xã hội…
BHXH Thành phố cũng cần bám sát việc tổ chức các hội nghị khách hàng theo văn bản hướng dẫn mới của BHXH Việt Nam, với chủ thể tổ chức được thay đổi, tuân thủ các quy trình, hướng dẫn, kinh phí theo văn bản này. Đây là vấn đề cần khẩn trương triển khai vì qua thực tiễn việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT đạt hiệu quả tốt qua hình thức này. Tăng cường phối hợp với ngành Công an đề cập nhật, đối chiếu dữ liệu với dữ liệu về dân cư
Đại diện Lãnh đạo BHXH Thành phố và lãnh đạo một số phòng và BHXH quận, huyện phát biểu tại buổi làm việc
BHXH Thành phố cũng cần có đánh giá, báo cáo về tình hình biến động lao động để đưa ra các giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT cũng như hạn chế tình trạng nhận BHXH một lần; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Công tác truyền thông được BHXH Thành phố thực hiện rất tốt thời gian qua, trong thời điểm hiện nay cần tập trung cao điểm cho tháng 5 - Tháng BHXH toàn dân; đẩy mạnh truyền thông không nhận BHXH một lần; tăng mức hỗ trợ với BHXH tự nguyện; xây dựng các kịch bản riêng cho từng nhóm thu nhập…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, BHXH TP.Hồ Chí Minh đã hết sức cố gắng, trách nhiệm, nghiêm túc trong triển khai các chỉ đạo của Ngành, của Thành phố một cách toàn diện về BHXH, BHYT, có ưu tiên những việc trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt là công tác triển khai các gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 từ các quỹ BHXH, BHTN, cơ bản không xảy ra sai sót, được người dân đồng tình, đánh giá cao. Công tác quản lý tốt, chặt chẽ trong chi trả các chế độ cho người dân, người lao động, đặc biệt là quỹ khám chữa bệnh BHYT với một địa bàn lớn, đông dân nhất cả nước; công tác cải cách TTHC, chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực…
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng nhận định, thời gian tới, nhiệm vụ của BHXH Thành phố là rất nặng nề về phát triển người tham gia BHXH, BHYT; giải quyết chế độ cho người tham gia. Cùng với sự đồng hành của BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, BHXH Thành phố tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; chủ động tham mưu với Thành phố, tăng cường công tác phối hợp với các sở, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Toàn cảnh buổi làm việc
Trong bối cảnh thị trường lao động sau dịch, nhiều biến động, BHXH tỉnh cần rà soát, đánh giá tổng thể lại các dữ liệu về lao động, nhóm người tham gia để đưa ra các giải pháp cụ thể; mỗi giải pháp sẽ mang lại hiệu quả là bao nhiêu người tham gia, từ đó phân công nhiệm vụ triển khai đến từng phòng, từng cán bộ.
Công tác khám chữa bệnh BHYT đã làm tốt, linh hoạt, cần tiếp tục phát huy tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khám chữa bệnh sau dịch. Tuy nhiên cũng cần theo sát để đánh giá, dự đoán các tính huống phát sinh để có hướng xử lý, khuyến cáo kịp thời. Tập trung làm tốt công tác quyết toán BHYT. Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, phối hợp với cơ quan Công an ngay từ đầu trong xử lý vi phạm, phòng chống lạm dụng, trục lợi, giảm nợ đọng BHXH, BHYT. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đoàn kết trong đơn vị./.
Phạm Chính
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?