“Cần đánh giá thực chất, làm bật lên ưu tiên về chính sách xã hội…”
29/03/2022 03:46 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương số 15-NQ/TW (khóa XI) một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 (Nghị quyết Trung ương 5).
Sáng 09/3, tại trụ sở Chính phủ đã diễn ra phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
An sinh xã hội đạt được nhiều kết quả
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Trung ương 5 đã đạt và vượt nhưng vẫn còn một số chỉ tiêu chậm so với mục tiêu đề ra như tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỉ lệ trẻ em 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, bảo đảm giáo dục tối thiểu…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong đề án phải có các nội dung như hoàn thiện báo cáo tổng kết 10 năm qua, đánh giá lại các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết, đối chiếu các chỉ tiêu để chỉ ra mức độ hoàn thành. Bên cạnh đó, đề án cần phải dự báo được những tình huống, bối cảnh, thách thức và khó khăn, cung với đó đặt ra những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 10 năm tới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, để đảm bảo tiến độ, đến tháng 5 các tỉnh thành, bộ ngành phải tiến thành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI để tháng 6 Ban chỉ đạo bắt đầu vào tổng hợp, hoàn thiện đề án.
"Cơ quan Trung ương cũng phải chủ động thực hiện các công việc của mình chứ không chờ hết việc này mới làm việc khác", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, các chỉ tiêu trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI chủ yếu liên quan đến vấn đề xã hội
Cho ý kiến xây dựng dự thảo, ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Ban Kinh tế Trung ương nhận định, công tác tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 là cần thiết.
"Đây là vấn đề lớn, liên quan đến con người, đặc biệt trong đó là người có công và an sinh xã hội. Về lĩnh vực người có công, trong 10 năm qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc. Đối với nhóm an sinh xã hội, chúng ta đã làm khá toàn diện và đạt rất nhiều kết quả từ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…", ông Đỗ Ngọc An đánh giá.
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nghị quyết này liên quan rất lớn đến những vấn đề con người, thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều lứa tuổi và nhiều điều kiện khác nhau. Do vậy, ông Đỗ Ngọc An đề nghị huy động các lực lượng các nhà khoa học, chuyên gia, lực lượng trong hệ thống chính trị cho ý kiến để hoàn thiện chương trình.
Cùng vấn đề trên, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, đây là nghị quyết liên quan đến các vấn đề xã hội rất rộng lớn. "Mọi đối tượng xã hội không có ai là không bị tác động của chính sách này. Ngoài ra, các chính sách xã hội bao giờ cũng gắn với chính sách kinh tế. Lâu nay, chính sách xã hội không thực hiện được vì lý do nguồn lực", ông Ngọ Duy Hiểu nhận định.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, nếu đề xuất ra những giải pháp xa so với khả năng đáp ứng của kinh tế, nhất là sau đại dịch thì rất khó thực hiện.
"Tôi cho rằng, những chủ trương định hướng mới phải gắn với định hướng phát triển kinh tế, cũng như là các vấn đề về mặt đối ngoại. Chúng ta cũng phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Những vấn đề lớn của Nghị quyết XIII phải được nêu bật trong đây", ông Ngọ Duy Hiểu cho ý kiến.
Ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Ban Kinh tế Trung ương nêu ý kiến tại phiên họp
Đi sâu vào nội hàm để tìm ra vấn đề mới
Tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, mỗi ngành, lĩnh vực đều có nghị quyết chuyên đề như ngành y tế, văn hóa, giáo dục… Do vậy, các ngành này cần gắn với việc vừa tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI, nhưng cần đi sâu vào nội hàm được đặt ra trong nghị quyết chuyên đề để tìm ra vấn đề mới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trăn trở: "Hiện nay, chúng tôi đang suy nghĩ đến vấn đề đó là đến sau năm 2030, Việt Nam liệu còn hộ nghèo không? Nếu còn thì ở mức độ nào, tiêu chuẩn ra sao? Như là vấn đề nước sạch, hiện nay có khoảng 80% nước hợp vệ sinh, nhưng đến năm 2030 chúng ta bước vào giai đoạn phát triển trung bình cao thì các tiêu chí này sẽ thế nào?"
Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã nêu nguyên tắc đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 trên tinh thần thẳng thắn, trung thực, khách quan, bám sát vào Nghị quyết. Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị cần đánh giá thực chất, làm bật lên ưu tiên về chính sách xã hội, chăm sóc con người của Đảng, Nhà nước.
"Chúng ta cần cố gắng đi sâu vào vấn đề hiệu quả sử dụng nguồn lực. Phần lớn các chương trình chúng ta chưa đánh giá hết được vấn đề này. Chúng ta chỉ đánh giá được dùng bao nhiêu phần trăm ngân sách, bao nhiêu tiền, nhưng chúng ta không đánh giá được hiệu quả", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói thêm.
Toàn cảnh phiên họp
Nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; bảo đảm an sinh xã hội (việc làm, thu nhập và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp xã hội, bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông, chính sách an sinh xã hội trong đại dịch COVID-19); hợp tác quốc tế và các lĩnh vực khác có liên quan; nguồn lực thực hiện; đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2020 và kết quả thực hiện đến năm 2022; đánh giá hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm…
Một số nhóm chỉ tiêu bắt buộc (y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội, nhà ở…) trong Nghị quyết phải do Bộ trưởng bộ chuyên ngành chỉ đạo tổng kết. Bên cạnh việc tổng kết của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan nghiên cứu, chúng ta cần huy động tối đa, sử dụng hiệu quả sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đóng góp của nhân dân.
Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 với các tiêu chí xác định hộ nghèo về thu nhập và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên so với giai đoạn 2016-2020, không chỉ đảm bảo thu nhập tối thiểu mà còn hỗ trợ cải thiện mức độ tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 đảm bảo quyền an sinh xã hội của người nghèo được toàn diện hơn.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?