Thử nghiệm xong kết nối, tích hợp thông tin BHXH, BHYT vào thẻ CCCD gắn chíp
18/02/2022 09:33 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 17/2, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an chủ trì phiên họp Tổ Công tác của Chính phủ triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).
Báo cáo việc thực hiện Đề án 06, Trung tướng Tô Văn Huệ- Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) cho biết, từ sau Hội nghị của Chính phủ triển khai Đề án (ngày 18/1/2022) đến nay, công tác chỉ đạo triển khai Đề án được thực hiện quyết liệt.
Cụ thể, ngày 25/1 (tức ngày 23 Tết âm lịch), Tổ công tác của Chính phủ họp Phiên thứ nhất để triển khai các nhiệm vụ và phân công trách nhiệm. Ngày 28/1 (ngày 26 Tết âm lịch), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp với Cơ quan thường trực và một số bộ, ngành; ngay sau đó, ngày 29/1 (27 Tết), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 29/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương triển khai một số nhiệm vụ Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Công điện gửi Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu: Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thành lập Tổ Công tác, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án gửi về Văn phòng Chính phủ và Bộ Công an để tổng hợp, theo dõi. Trong đó, tập trung triển khai ngay những nhiệm vụ phải hoàn thành trong tháng 2, tháng 3 năm 2022, không để thời gian nghỉ Tết Nguyên đán làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Bộ Công an cũng đã ban hành kế hoạch số 56/KH-BCA-C06 để triển khai Đề án theo chức năng của lực lượng công an nhân dân, trong đó, xác định việc thực hiện đề án 06/CP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn lực lượng; Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho đơn vị liên quan với quyết tâm thể hiện sự gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
Toàn cảnh phiên họp (nguồn: Internet)
Tính đến ngày 16/2/2022, số TTHC đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia là 3.523 thủ tục; Số TTHC cung cấp cho công dân trên Cổng DVC là 1.956 thủ tục; Số thủ tục cung cấp hành chính cung cấp cho DN trên Cổng DVC là trên 1.800 hồ sơ. Số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên Cổng DVC quốc gia chỉ tính riêng ngày 16/2/2022 trên 97 triệu hồ sơ, tăng gần 656 nghìn hồ sơ so với ngày 15/2. Số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua DVC quốc gia đến ngày 16/2 gần 2,8 triệu hồ sơ, tăng trên 20 nghìn hồ sơ so với ngày 15/2.
Đánh giá kết quả bước đầu triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực cư trú khi Đề án được ban hành, Trung tướng Tô Văn Huệ cho biết thêm, tính từ ngày 1/7/2021 đến 15/2/2022, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên 196 nghìn hồ sơ. Tổng số hồ sơ đã trả kết quả cho công dân trên 191 triệu hồ sơ, tương ứng tỷ lệ 97,63% (trong đó: đăng ký thường trú trên 7800 hồ sơ, đăng ký tạm trú trên 4.300 hồ sơ, khai báo tạm vắng 502 hồ sơ; thông báo lưu trú trên 179 000 hồ sơ). Trung bình 1 ngày nhận 1.225 hồ sơ và giải quyết 1.197 hồ sơ. Tính từ khi Đề án 06/QĐ-TTg được thông qua, từ ngày 6/1/2022 đến ngày 15/2, tổng hồ sơ được tiếp nhận là 60.487 hồ sơ. Trong đó, trung bình 1 ngày nhận 2.629 hồ sơ, giải quyết được 2.538 hồ sơ…
Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến triển khai cung cấp DVC theo chức năng Bộ Công an, đến nay đã hoàn hành xây dựng 4/11 dịch vụ. Trong đó, xác nhận số CMND khi đã cấp thẻ CCCD; Cấp lại, đổi thẻ CCCD; khai báo tạm vắng; Thông báo lưu trú. Cùng với đó, đã tích hợp, sẵn sàng thực hiện việc thu tiền nộp phạt trên Cổng DVC quốc gia với thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình...
Đáng chú ý, việc kết nối thực hiện tích hợp thông tin BHXH, BHYT vào thẻ CCCD gắn chíp và ứng dụng VNEID đã thực hiện tích hợp và thử nghiệm xong.
Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa có quy trình, văn bản hướng dẫn việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp trong công tác KCB cho nhân dân. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân sử dụng DVC trong lĩnh vực cư trú và cấp, quản lý CCCD chưa tương xứng với tình hình thực tế do chưa biết, chưa được tuyên truyền về các thuận lợi, tiện ích khi sử dụng trên Cổng DVC; do thói quen của người dân và yêu cầu của đơn vị có liên quan yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ, thủ tục bản giấy, chưa chấp nhận các kết quả giải quyết môi trường điện tử. Bộ Công an đã phối hợp với văn phòng Chính phủ nghiên cứu các giải pháp thanh toán trực tuyến khi thực hiện dịch vụ công. Tuy nhiên, việc hoàn tiền đối với DVC không thực hiện được còn gặp nhiều khó khăn…
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với xã hội rất lớn. Hằng ngày, có hàng triệu lượt giao dịch trên Cổng DVC cho thấy nhu cầu cần được xử lý giấy tờ trực tuyến, cắt giảm bớt thời gian đi lại của người dân hiện nay đang cấp thiết.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, mặc dù CCCD gắn chíp điện tử ra đời đã là giấy tờ chứng minh thông tin, nhân thân cao nhất, chính xác nhất của người dân nhưng hiện tại trong thực hiện TTHC, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn yêu cầu người dân phải chứng thực, chứng nhận rất nhiều loại giấy tờ, thậm chí có nhiều trường hợp bắt chứng thực, chứng nhận, một cách vô lý. Đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và sớm thống nhất quan điểm để cắt giảm yêu cầu “chứng thực” “chứng nhận”, nhất là trong những thủ tục người dân thường xuyên thực hiện như đăng ký khai sinh, hộ khẩu, kết hôn…
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện TTHC bằng cách khai thác các tiện ích trong CSDLQG về dân cư sẽ giảm việc phải tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với cán bộ thực hiện thủ tục hành chính. Từ đó, không chỉ đem lại hiệu quả cho cả cơ quan nhà nước lẫn người dân mà còn hạn chế được việc nảy sinh các vấn đề tiêu cực khi người dân phải trực tiếp gặp nhân viên, cán bộ thực hiện thủ tục hành chính.
Triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia gia đoạn 2022-2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã nhanh chóng Ban hành Kế hoạch tại Quyết định số 123/QĐ-BHXH ngày 28/1/2022 triển khai Đề án 06; thành lập Tổ Công tác của BHXH Việt Nam triển khai Đề án tại Quyết định số 139/QĐ-BHXH ngày 15/2/2022. Đồng thời, nhằm đảm bảo tiến độ triển khai sử dụng Căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để KCB theo Đề án, từ ngày 11/2/2022, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân (tham gia BHYT) trong CSDLQG về dân cư qua số CMND để đối chiếu, đồng bộ số CCCD từ CSDLQG về dân cư sang CSDL của BHXH. BHXH Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Công an thực hiện chia sẻ, rà soát thông tin nhân khẩu có trong CSDLQG về bảo hiểm với CSDLQG về dân cư; cung cấp, chia sẻ các bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDLQG về dân cư.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua cơ quan BHXH ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?